Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Kỳ 1: Nước Mỹ thời lập quốc của những người da trắng tự do
Kỳ 2: Nền dân chủ của người da trắng
Nước Mỹ vẫn luôn được nghĩ đến như một đất nước chào đón người nhập cư, mở cửa cho những người bị đàn áp. Nhưng trong suy nghĩ đại chúng về nước Mỹ, ít thấy nhắc đến sự đóng góp của người Da Đen hay của người nhập cư da màu cho sự phát triển của nước Mỹ, trong khi sự thịnh vượng của nước Mỹ một phần lớn là do bóc lột sức lao động của họ.
Đến tận bây giờ, những thành tựu của lý tưởng tự do, dân chủ và bình đẳng vẫn được xem là xuất phát từ sự “đặc biệt” của nước Mỹ hơn là từ sự đấu tranh của người Da Đen. Và đến bây giờ, người nhập cư vẫn bị xem là mối hiểm họa cho một bộ phận không ít người Mỹ (đối với người Mỹ sinh ra ở đây và cả người Mỹ có gốc nhập cư nhưng đã nhập tịch). Trong lịch sử dựng nước, nước Mỹ là đất nước của người da trắng. Đất nước này hoàn toàn không chào đón người nhập cư như ta tưởng.
Như vậy sự đa sắc tộc của nước Mỹ từ đâu mà có? Đó là từ việc nước Mỹ bành trướng lãnh thổ, từ nhu cầu về lao động để phát triển kinh tế, và từ các cuộc chiến tranh mà nước Mỹ tham gia lẫn khởi xướng.
Cuộc chiến giữa Mỹ và Mexico (1846-1848) là một ví dụ. Cuộc chiến này dẫn đến việc sáp nhập (annexation) phần lớn lãnh thổ (và dĩ nhiên là người dân) phía Bắc của Mexico vào Mỹ. Sau cuộc chiến, Hiệp định Guadalupe Hidalgo cho phép người Mexico trong lãnh thổ sáp nhập trở thành công dân Mỹ. Nếu chiếu theo luật Nhập Tịch (Naturalization Act) 1790, quy định chỉ có người da trắng tự do mới được trở thành công dân, thì hiệp định Guadalupe Hidalgo xem người Mexico là người da trắng [1].
Nhưng như vậy không có nghĩa là nước Mỹ chào đón người Mexico. Sự phân loại về chủng tộc này liên quan mật thiết đến giai cấp và quyền sở hữu đất. Khi tỷ lệ những người Mexico lao động tay chân hoặc không sở hữu đất tăng lên thì người Mexico dần được xem là da màu [2]. Thêm nữa, mặc dù luật pháp xem người Mexico là “da trắng”, nhưng về mặt xã hội và văn hóa, họ vẫn bị xem là da màu (colored), cho đến năm 1930 thì được xem là một chủng tộc riêng [3].
Niềm tin vào một nước Mỹ da trắng đồng nhất vẫn còn đó. Shelley Streeby, trong quyển “American Sensations”, đã chỉ ra rằng trong văn hóa đại chúng (thể hiện tư duy đại chúng), người ta đã đặt câu hỏi về khả năng đồng hóa dân tộc khác (cả người Ailen và người Mexico) vào nước Mỹ. Streeby còn chỉ ra rằng việc sáp nhập lãnh thổ, mặc dù đem lại lợi ích kinh tế, luôn tạo ra sự lo ngại và bất an về viễn cảnh phải hòa vào với dân tộc khác.
Nói tóm lại, cái tinh thần muốn chiếm đất nhưng lại không muốn sáp nhập dân tộc mới đã có ở Mỹ từ rất sớm như vậy. Sau này, ta lại thấy tư tưởng này lặp lại, sau khi nước Mỹ thắng trong cuộc chiến với Tây Ban Nha năm 1899 và giành được quyền kiểm soát Cuba, Puerto Rico, Guam và Philippines (giành quyền kiểm soát nhưng không sáp nhập).
Nhu cầu về lao động góp một phần không nhỏ vào sự đa sắc tộc ở Mỹ. Trong thời điểm khởi đầu, người nhập cư từ Trung Quốc đến Mỹ khi nhu cầu lao động tăng cao khi vàng được tìm thấy ở California, và khi miền Viễn Tây nước Mỹ bắt đầu phát triển [4]. Trong Coolies and Cane, Moon-Ho Jung lập luận rằng nếu trước cuộc Nội chiến (1860 – 1865) , các chủ đồn điền ở miền Nam ra sức phản đối đường dây mang lao động culi từ Trung Quốc đến Mỹ, thì sau cuộc nội chiến, lao động culi được xem là giải pháp cho miền Nam nước Mỹ, còn lao động nhập cư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines được chiêu mộ bởi những người chủ đồn điền ở Hawaii [5].
Sự mâu thuẫn của nước Mỹ là họ luôn cần lao động nhập cư nhưng lại bất an khi thấy nhiều người nhập cư ở Mỹ. Chỉ cần nhìn sơ qua lịch sử luật di trú của Mỹ là có thể thấy điều này.
Luật di trú năm 1882 cấm người Trung Quốc nhập cư vào Mỹ (luật này mãi đến năm 1943 mới được bãi bỏ [6]. Một sắc lệnh hành pháp ban hành năm 1907 cấm người Nhật nhập cư vào Mỹ từ Hawaii. Chính quyền Mỹ lúc đó không thể ban hành luật cấm người Nhật như cấm người Trung Quốc, do Mỹ muốn giữ quan hệ thân thiện với Nhật (lúc đó đang là một nước hùng mạnh). Để hạn chế người Nhật nhập cư, Mỹ đã ký kết “Thoả thuận của các Quý ông” (Gentlemen’s Agreement) với Nhật, theo đó, nước Nhật đồng ý hạn chế người di cư bằng cách không cấp hộ chiếu cho người lao động di cư [7].
Đối với người Philippines, vì nước này thuộc bảo hộ của Mỹ nên người Philippines được quyền sang Mỹ; và trong khi lao động người Trung Quốc và người Nhật không thể nhập cư, làm giảm lực lượng lao động, thì lao động Philippines trở thành một nguồn lao động quan trọng [8]. Cách để ngăn chặn nhập cư từ Philippines là cho Philippines độc lập. Tác giả Mae Ngai trong cuốn “Impossible Subjects: Illegal Aliens and the Making of Modern American” lập luận rằng việc Mỹ nghĩ đến việc độc lập của Philippines là để giải thoát Mỹ khỏi vấn đề dân nhập cư đến từ nước này [9] (kết quả là đạo luật Hare-Hawes-Cutting Act năm 1932).
Thêm một ví dụ nữa là luật di trú năm 1924 (Johnson-Reed Act) sửa lại Emergency Quota Law 1921.
Luật năm 1921 thiết lập hạn ngạch cho người nhập cư từ một quốc gia là 3% số dân của nhóm người đó đang ở Mỹ, dựa theo thống kê dân số gần nhất là năm 1910. Tuy nhiên, vấn đề là nếu theo thống kê 1910 thì người nhập cư từ Đông Âu và Nam Âu chiếm 45% hạn ngạch, và mặc dù luật đã cắt bớt 20% hạn ngạch cho dân nhập cư từ vùng này thì con số này vẫn cao một cách không chấp nhận được. Thế nên những người ủng hộ dân bản xứ (nativists) mới có lập luận cho rằng phải dựa theo thống kê dân số năm 1870 để thiết lập hạn ngạch vì thống kê năm 1870 thì số lượng người nhập cư từ Đông Âu và Nam Âu rất ít, như vậy sẽ đảm bảo được dòng máu bản xứ (native stock) của người Mỹ.
Luật di cư năm 1924 được thông qua, thiết lập hạn ngạch dựa trên thống kê dân số 1870 (do một lập luận khác của John Trevor, không mang thái độ kỳ thị chủng tộc rõ ràng như lập luận ban đầu và vẫn giữ được cái tinh thần giảm người nhập cư từ Đông Âu và Nam Âu đó) [10].
Nói tóm lại, nước Mỹ không chào đón người nhập cư. Lúc cần thì đem người nhập cư đến và khi khủng hoảng hay khó khăn thì lại đuổi họ đi [11].
Thật vậy, khi cuộc khủng hoảng xảy ra năm 1930 (Great Depression) thì khoảng hai triệu người Mexico, 60% trong số đó là người Mỹ gốc Mexico, bị đuổi về Mexico [12] vì người Mỹ tin rằng những người nhập cư lấy đi công việc của họ [13]– một lập luận mà đến giờ ta vẫn còn nghe thấy.
Người nhập cư da màu dù ở Mỹ bao đời vẫn không được xem là người Mỹ. Vậy nên mỗi khi có khủng hoảng, họ lại bị coi là một hiểm họa.
Người nhập cư da màu dù ở Mỹ bao đời vẫn không được xem là người Mỹ. Vậy nên mỗi khi có khủng hoảng, họ lại bị coi là một hiểm họa.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hàng loạt người Mỹ gốc Nhật bị dồn vào trại tập trung (127.000 người), trong khi người Mỹ gốc Đức và Ý chỉ bị điều tra theo cá nhân [14].
Đến ngày nay, khi tỉ lệ người Mỹ thất nghiệp tăng lên do COVID-19, thì việc đầu tiên họ làm là cắt visa làm việc cho người nhập cư [15], nhưng người lao động trong ngành nông nghiệp thì không bị ảnh hưởng (vì ngành này cần lao động giá rẻ). Mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ là khát vọng của một đất nước đồng nhất về văn hóa, ngôn ngữ và chủng tộc; và nhu cầu lao động của chủ nghĩa tư bản, vốn chỉ có thể được đáp ứng dựa trên nguồn cung ứng lao động từ các nước đang phát triển [16].
Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nước Mỹ có vẻ bớt bảo thủ hơn với người nhập cư tị nạn.
Trong quyển “Americans at the Gate”, Carl Tempo cho rằng các chính sách tị nạn sau Thế Chiến thứ Hai phản ánh hai điều: một là những ưu tiên về mặt đối ngoại và hai là những thay đổi trong nước về mặt văn hóa và chính trị.
Về mặt đối ngoại, chấp nhận người tị nạn khẳng định sự vượt trội của các giá trị và lý tưởng của nước Mỹ trên trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên bang Xô Viết. Về những biến đổi trong nước thì cuộc Chiến tranh Lạnh ảnh hưởng đến khái niệm thế nào là người Mỹ (American identity). Những năm 1950, khái niệm “căn tính Mỹ” mang ý nghĩa chống Cộng và đến những năm 1960, cùng với sự trỗi dậy của các phong trào tự do thì khái niệm “danh tính Mỹ” có ý nghĩa nhấn mạnh việc bảo vệ các quyền của cá nhân [17].
Những điều này ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách cho người tị nạn. Trong bối cảnh này, việc tiếp nhận người tị nạn từ các nước cộng sản minh chứng cho sự vượt trội của lý tưởng tự do và dân chủ của nước Mỹ [18] và sự hào phóng của nước Mỹ khi sẵn lòng giúp đỡ người tị nạn.
Có lẽ trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh thì tư tưởng nước Mỹ là đất nước hào phóng và chào đón người tị nạn có vẻ hợp lý khi Mỹ đóng vai là người hùng của Thế Chiến thứ Hai. Nhưng từ sau cuộc Chiến tranh Việt Nam (người Việt gọi là Kháng chiến chống Mỹ), tư tưởng “giúp đỡ” người tị nạn từ Đông Nam Á bị các học giả phê phán. Ví dụ như trong quyển Body Counts, Yến Lê Espiritu chỉ ra rằng khi nhấn mạnh vào sự “giúp đỡ” của nước Mỹ đối với người Việt tị nạn thì người ta sẽ quên đi vai trò của nước Mỹ trong việc tạo ra một làn sóng người tị nạn [19].
Thêm nữa, các câu chuyện về sự thành công của người tị nạn trên đất Mỹ trở thành bằng chứng cho sự “giúp đỡ” của nước Mỹ đối với họ và nhấn mạnh vai trò của nước Mỹ trong việc “giải cứu” thế giới, một vai trò quan trọng cho sự thống trị của nước Mỹ sau Thế Chiến thứ Hai [20]. Bằng cách này, người tị nạn coi như được ban tặng món quà của tự do. Trong quyển “The Gift of Freedom”, Mimi Nguyễn chỉ ra rằng “món quà của tự do” là cách để nước Mỹ biện minh cho các hành động bạo lực chiến tranh với danh nghĩa là giải phóng cho người bị áp bức [21].
Như vậy, người tị nạn không những góp phần vào sự đa sắc tộc/đa văn hóa của nước Mỹ mà còn là minh chứng cho một nước Mỹ hào phóng, thay thế hoàn toàn hình ảnh nước Mỹ kém hào phóng đối với người nhập cư trước đây. Và đa sắc tộc không có nghĩa là có sự bình đẳng giữa các sắc tộc. Sự đa sắc tộc trong một xã hội không bình đẳng vận hành theo chủ nghĩa tư bản sẽ tạo tiền đề cho việc bóc lột những người thuộc sắc tộc bị áp bức, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng.
Thêm nữa, chủ nghĩa đa văn hóa tự do (liberal multiculturalism) trong những năm 1980 đến những năm 1990, nhấn mạnh vào việc thừa nhận sự tồn tại và đóng góp của các nền văn hóa khác nhau trong nước Mỹ, vô hình làm lu mờ thực tại về sự bất bình đẳng giữa các chủng tộc trong xã hội Mỹ [22], làm mọi người quên đi những đặc quyền dành cho người thuộc chủng tộc được cho là “vượt trội” trong một xã hội phân tầng theo chủng tộc như nước Mỹ.
Từ sau những năm 2000, chủ nghĩa đa văn hóa tân tự do (neoliberal multiculturalism) trong bối cảnh toàn cầu hóa nhấn mạnh tính ưu việt của một công dân toàn cầu thể hiện qua lý tưởng công dân đa văn hóa [23]. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa tân tự do (nhấn mạnh vào vai trò của cá nhân) và chủ nghĩa đa văn hóa xóa mờ sự khác biệt về chủng tộc và sự thật về sự phân biệt chủng tộc có tính hệ thống trong xã hội Mỹ. Chủ nghĩa đa văn hóa tân tự do làm cho sự bất bình đẳng chủng tộc như là một điều hiển nhiên khi cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, người da màu không phù hợp để trở thành công dân toàn cầu là do bản thân họ [24].
Nói tóm lại, nước Mỹ trong mắt tôi là đầy những mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện thực. Nước Mỹ có một lý tưởng đẹp nhưng hiện thực lại khá phũ phàng.
Nói đến đây, chắc có người sẽ nói rằng chẳng phải nước Mỹ vẫn tốt đẹp hơn nhiều đất nước khác hay sao. Tôi thừa nhận nước Mỹ có những mặt tốt nhưng việc chỉ ra sự thật xấu xí của nước Mỹ không phải là để so nước Mỹ với các quốc gia khác. Thừa nhận thực tại của nước Mỹ để thấy rằng nước Mỹ vẫn còn phải đấu tranh để đạt tới được lý tưởng mà những người lập quốc đề ra.
Tôi nghĩ rằng lý tưởng ban đầu của nước Mỹ là một điều đáng theo đuổi. Có lẽ vì cái lý tưởng tốt đẹp đó mà giấc mơ Mỹ, ở một mức độ nào đó, vẫn còn tồn tại vì người ta tin cái lý tưởng tự do, dân chủ và bình đẳng của đất nước có thể thành hiện thực trong tương lai (mặc dù hiện tại những điều đó có thể chưa đạt được).
Giấc mơ Mỹ, hiểu theo bài diễn văn của Martin Luther King Jr., là giấc mơ về một dân tộc vùng lên và sống đúng theo lý tưởng của nước Mỹ: Tất cả mọi người đều được sinh ra với quyền bình đẳng [25]. Do đó, khi tôi nghĩ về nước Mỹ, tôi không phải chỉ thấy sự mâu thuẫn mà còn cả hy vọng.
Hi vọng này chỉ thành hiện thực khi người da màu đoàn kết và đấu tranh.
[1] Natalia Molina, “Understanding Race as a Relational Concept,” Modern American History 1, no. 1 (2018): 104.
[2] Shelley Streeby, American Sensations: Class, Empire, and the Production of Popular Culture, vol. 9 (Univ of California Press, 2002), 252.
[3] Natalia Monila, How Race is Made in America (University of California Press, 2014), 6.
[4] Sucheng Chan, Asian Americans: An Interpretive History (Twayne Publishers, 1991), 3.
[5] Ibid., 3.
[6] Mae M Ngai, Impossible Subjects: Illegal Aliens and the Making of Modern American (Princeton University Press, 2014), 169.
[7] Ibid., 39.
[8] Ibid., 101.
[9] Ibid., 117.
[10] Ibid., 21.
[11] Behdad, A Forgetful Nation: On Immigration and Cultural Identity in the United States, 113.
[12] Aguilera, Jasmine. “Citizens Facing Deportation Isn’t New. Here’s What Happened When the U.S. Removed Mexican-Americans in the 1930s.”, TIME, August 2, 2019.
[13] Carl J Bon Tempo, Americans at the Gate: The United States and Refugees During the Cold War (Princeton University Press, 2008), 17.
[14] Ngai, Impossible Subjects: Illegal Aliens and the Making of Modern American, 175.
[15] “Trump Freezes Green Cards, Many Work Visas Until End Of Year.” NPR, June 20, 2020.
[16] Lisa Lowe, Immigrant Acts: On Asian American Cultural Politics (Duke University Press, 1996), 13.
[17] Tempo, Americans at the Gate: The United States and Refugees During the Cold War, 5.
[18] Ibid., 30.
[19] Le Yen Espiritu, Body Counts: The Vietnam War and Militarized Refugees (Univ of California Press, 2014), 17.
[20] Ibid., 100.
[21] Mimi Thi Nguyen, The Gift of Freedom: War, Debt, and Other Refugee Passages (Duke University Press, 2012), 23.
[22] Jodi Melamed, Represent and Destroy: Rationalizing Violence in the New Racial Capitalism (U of Minnesota Press, 2011), 40.
[23] Ibid., 137.
[24] Ibid., 49.
[25] Tạm dịch theo câu của MLK: “I have a dream that one day this nation will rise up and live out the true meaning of its creed — we hold these truths to be self-evident: that all men are created equal.”