Pháp Luân Công đối diện với tương lai đầy rắc rối

Năm 2020 trôi qua không dễ dàng với cộng đồng Pháp Luân Công. 2021 sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Pháp Luân Công đối diện với tương lai đầy rắc rối
Đồ họa: Luật Khoa.

Năm 2009, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố Việt Nam không có Pháp Luân Công. 11 năm sau, các nhóm học viên Pháp Luân Công có mặt ở khắp các tỉnh, thành.

Năm 2020, công an Việt Nam gọi Pháp Luân Công là sự kết hợp đặc biệt nguy hiểm giữa “tôn giáo” và “rèn luyện sức khỏe”. Một chiến dịch trấn áp Pháp Luân Công có hệ thống được tổ chức cả trên mạng lẫn ngoài đời thực.

Theo nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, Pháp Luân Công ở Việt Nam hiện có khoảng 8.000 học viên với 600 điểm tập luyện ở tất cả 63 tỉnh, thành.

Nhiều người xung quanh tôi cũng đã bắt đầu biết đến Pháp Luân Công, nhưng họ e ngại nhiều hơn là giữ một quan điểm trung dung về bộ môn này.

Pháp Luân Công giờ đây nổi tiếng hơn nhưng cũng tai tiếng hơn.

Chiến dịch trấn áp

Tháng 3/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu các địa phương ngăn ngừa “các giáo phái, hiện tượng tôn giáo cực đoan” gia tăng hoạt động tuyên truyền trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19.

Sau thông báo này, chiến dịch trấn áp những ai phổ biến Pháp Luân Công bắt đầu được thực hiện.

Chiến dịch này lập tức được báo chí nhà nước tiếp sức.

Vào tháng 4/2020, báo Tuổi Trẻ đăng tin về người hai phụ nữ trung niên ở tỉnh Hà Tĩnh bị phạt hành chính vì phổ biến rằng tập Pháp Luân Công có thể ngăn ngừa COVID-19.

Hầu hết các vụ ngăn chặn phổ biến Pháp Luân Công đều được đưa tin ngay lập tức cùng với hình ảnh người phổ biến và tang vật.

Thống kê của Luật Khoa từ các tờ báo nhà nước cho thấy có ít nhất 71 người bị công an ngăn cản, thu giữ tài liệu, phạt hành chính vì phổ biến Pháp Luân Công trong năm 2020.

Ban đầu, họ bị bắt giữ vì đã phát tờ rơi chưa được cấp phép. Nhưng về sau, công an ở một số tỉnh, thành tuyên bố rằng ngăn chặn phổ biến Pháp Luân Công là để bảo vệ sức khỏe người dân.

Một nhóm tập Pháp Luân Công ở khu đô thị Ecopark, Hà Nội. Ảnh: tinhtue.org.
Một nhóm tập Pháp Luân Công ở khu đô thị Ecopark, Hà Nội. Ảnh: tinhtue.org.

Công an nhiều tỉnh, thành đã thông báo rằng Pháp Luân Công “rất phản khoa học” khi tuyên truyền khả năng chữa bệnh kỳ diệu, khỏi bệnh mà “không dùng thuốc, từ chối điều trị tại bệnh viện”.

Các câu chuyện vượt qua bệnh nan y nhờ tập luyện Pháp Luân Công đang là nội dung chính của các trang tin Pháp Luân Công tại Việt Nam.

Mặt khác, không một trang tin tức nào liên quan đến Pháp Luân Công mà không nói đến chính trị Mỹ và chính quyền Trung Quốc. Những trang này (các tờ báo trực tuyến, kênh Youtube) đều có lượng theo dõi rất lớn và thể hiện quan điểm chính trị rất rõ ràng. Điều này có thể đã khiến chính quyền Việt Nam phải lưu tâm.

Từ cáo buộc ảnh hưởng đến sức khỏe, công an Việt Nam đã nâng cấp cáo buộc của mình lên một mức độ khác.

Vào tháng 12/2020, Công an tỉnh Kon Tum đã có kết luận đáng chú ý rằng: Pháp Luân Công “mượn vỏ bọc của một môn luyện công rèn luyện sức khỏe và lợi dụng các yếu tố tôn giáo, tâm linh để tập hợp lực lượng, lôi kéo quần chúng… đòi chính quyền công nhận tư cách pháp nhân, nhằm từng bước công khai hình thành tổ chức đối lập về chính trị ở Việt Nam”.

Dù đây không phải là nhận định từ cấp trung ương, nhưng nó ít nhất cũng cho thấy quan điểm ở cấp địa phương, nơi mà những người phổ biến Pháp Luân Công đang phải đối mặt.

Ba quan điểm về Pháp Luân Công

Những người xung quanh tôi e ngại Pháp Luân Công vì họ không biết bộ môn này là gì. Một bộ môn dưỡng sinh, khí công hay một hình thức tôn giáo?

Trong khi đó, báo chí nhà nước cố tình nhấn mạnh yếu tố Pháp Luân Công trong vụ án mạng nghiêm trọng ở Bình Dương hồi tháng 5/2019. Công an liên tục ngăn chặn những ai phổ biến Pháp Luân Công ở khắp các tỉnh, thành.

Có ba quan điểm đáng quan tâm về Pháp Luân Công hiện nay ở Việt Nam.

Các học viên Pháp Luân Công mà Luật Khoa đã phỏng vấn trong năm 2020 cho rằng bộ môn của họ chủ yếu để “rèn luyện tâm tánh” chứ không phải là một tôn giáo. Trở nên khỏe mạnh cũng chỉ là mục tiêu thứ yếu khi tập luyện bộ môn này.

Một số tờ báo nhà nước thì cho rằng Pháp Luân Công là “tà đạo” hay “hiện tượng tôn giáo cực đoan”.

Các cơ quan công an thì tuyên truyền rằng Pháp Luân Công không phải là tôn giáo, mà là nhóm lợi dụng việc rèn luyện sức khỏe và sử dụng các yếu tố tôn giáo để lôi kéo người dân.

Với các quan điểm trái ngược trên, người tập Pháp Luân Công vẫn cứ phổ biến và chính quyền vẫn cứ bắt người. Không bên nào chịu bên nào.

Giáo phái hay tín ngưỡng? Phán quyết ở Canada

Năm 2004, bà Huang, một người phụ nữ người Hoa, đã kiện Hiệp hội người Hoa cao tuổi Ottawa (Canada) ra tòa. Lý do là hiệp hội này đã truất quyền thành viên của bà sau khi bà giới thiệu trong một bữa tiệc của hiệp hội rằng Pháp Luân Công rất tốt cho sức khỏe vào năm 2001.

Kết quả vụ kiện đã tạo tiền lệ cho nhiều vấn đề, bao gồm cả Pháp Luân Công nên được xem là gì.

Năm 2006, Tòa án Nhân quyền tỉnh Ontario đã bác bỏ lập luận của hiệp hội cho rằng Pháp Luân Công là một giáo phái (cult).

https://smartcdn.prod.postmedia.digital/ottawacitizen/wp-content/uploads/2017/07/cda-china-20160922.jpg?quality=90&strip=all&w=1128&type=webp
Tòa án ở tỉnh Ontario, Canada công nhận Pháp Luân Công là một tín ngưỡng. Ảnh: The Canadian Press.

“Ở đây, tòa án không cần phải định nghĩa liệu một hệ thống niềm tin có hợp lý hay không, có được một nghiên cứu khoa học nào giúp xác tín hay không, cũng như có được tán thành bởi những giá trị của điều lệ Hiến chương [về nhân quyền] hay không”, trích phán quyết của tòa trong vụ án này (Huang v. 1233065 Ontario Inc).

Theo đó, tòa án đã phán quyết rằng Pháp Luân Công có một “hệ thống niềm tin, nghi lễ và thờ phượng” đủ để được xem là một tín ngưỡng (creed) theo Luật Nhân quyền của Ontario, và hành động của hiệp hội là kỳ thị dựa trên tín ngưỡng.

Phán quyết này được đưa ra mặc dù các học viên Pháp Luân Công cho rằng bộ môn của họ chỉ là tu luyện tâm tánh (spiritual cultivation practice). Tòa án cũng công nhận rằng khái niệm tôn giáo, tín ngưỡng ở Trung Quốc có nhiều khác biệt với quan niệm phương Tây.

Phán quyết này mở ra một lối đi mới cho việc đánh giá một tôn giáo, tín ngưỡng, từ đó đưa ra phán quyết về quyền tự do tôn giáo. Tòa án trong các hệ thống thông luật (common law) có thể xem xét từng trường hợp riêng biệt dựa trên các tiêu chí chung, chứ không áp đặt một một định nghĩa “một lần và mãi mãi” về tôn giáo.

Trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo Việt Nam, tín ngưỡng và tôn giáo lại là hai khái niệm cứng nhắc.

Theo đó, tín ngưỡng gắn liền với các lễ nghi, phong tục truyền thống mang lại sự bình an về tinh thần; còn tôn giáo gắn liền với một hệ thống quan niệm, hoạt động bằng việc thờ phượng, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.

Công an ở một số tỉnh, thành (Bình Phước, Hải Phòng, Kon Tum, Lạng Sơn) đã dựa trên khái niệm trong luật này để kết luận Pháp Luân Công không phải là một tín ngưỡng hay tôn giáo, vì không có giáo luật, giáo lý và tổ chức.

Tương lai đầy rắc rối

Năm 2020 đã trôi qua không dễ dàng đối với cộng đồng Pháp Luân Công tại Việt Nam, nhưng năm 2021 có thể còn khó khăn hơn.

Hầu hết học viên Pháp Luân Công gặp rắc rối với công an trong năm 2020. Đến cuối năm, công an ở một số tỉnh, thành đã nâng cấp hoạt động trấn áp.

Hai người phổ biến Pháp Luân Công bị cảnh sát đưa về đồn, tháng 12/2020. Ảnh: Diễn đàn Lịch sử Việt Nam.

Đầu tháng 12/2020, một người phụ nữ ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương bị ngăn chặn khi phát móc khóa có nội dung về Pháp Luân Công cho các học sinh. Đến cuối tháng 12/2020, một người phụ nữ ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đã bị công an buộc giao nộp các tài liệu đang giữ tại nhà về Pháp Luân Công, dù chưa phổ biến.

Các học viên Pháp Luân Công vẫn hoạt động riêng lẻ trên mạng xã hội và ngoài đời thực. Cách hoạt động ấy giúp bộ môn này nảy nở nhanh chóng và không thể bị dập tắt trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, đó cũng là một điểm bất lợi.

Pháp Luân Công ở Việt Nam có lẽ rất khó để lật ngược các cáo buộc của công an và báo chí nhà nước.

Một vụ kiện như ở Canada – làm rõ liệu các hoạt động trấn áp của công an Việt Nam có phải là hành động kỳ thị hay không – có lẽ là giấc mơ đối với các học viên ở Việt Nam.

Pháp Luân Công cũng không có một hội đoàn chính thức nào để phản bác hiệu quả những cáo buộc ngày càng dày đặc của công an và báo chí nhà nước.

Dù các học viên mà Luật Khoa đã phỏng vấn cho rằng tập luyện môn này là để “tu luyện tâm tánh”, các nội dung truyền thông trên mạng xã hội của Pháp Luân Công lại nhấn mạnh vào lợi ích chữa khỏi các bệnh nan y. Điều này đã cho chính quyền một lý do hợp lý để trấn áp họ.

Đính chính ngày 8/4/2021: Năm bà Huang kiện Hiệp hội người Hoa cao tuổi Ottawa ra Tòa án Nhân quyền tỉnh Ontario vào năm 2004 thay cho năm 2001 trong bản viết ngày 24/1/2021. Năm 2006, Tòa án Nhân quyền tỉnh Ontario đã ra phán quyết về vụ kiện của bà Huang, trong bản viết ngày 24/1/2021 là năm 2011. Chúng tôi xin cáo lỗi về những sai sót này.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.