Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Đại tá Nguyễn Tiến Trọng, người vừa được bổ nhiệm, luôn mặc thường phục trong các buổi họp.
Một buổi lễ bổ nhiệm chức danh phó trưởng ban đã diễn ra tại trụ sở của Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP) ngay trước dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2021.
Người nhận quyết định bổ nhiệm hôm đó mặc thường phục. Người ta cũng thấy ông mặc thường phục trong gần như tất cả các buổi họp trước đây với các chức sắc tôn giáo. Không ai lưu ý đến xuất thân của ông, một đại tá công an.
Nếu bạn chịu khó đọc những bài báo về buổi bổ nhiệm này, bạn sẽ không biết ông phó trưởng ban mới từng làm việc trong đơn vị nào. Ngay cả website của Ban Tôn giáo Chính phủ cũng không nêu những nơi mà ông ấy từng công tác.
Người được bổ nhiệm chức vụ này là ông Nguyễn Tiến Trọng, 52 tuổi, đại tá công an, tốt nghiệp ngành trinh sát an ninh, quê ở tỉnh Bắc Giang.
Trước khi được bổ nhiệm vào BTGCP, Đại tá Trọng là Phó cục trưởng Cục An ninh Nội địa thuộc Bộ Công an.
Việc bổ nhiệm một người luôn căn cứ vào kinh nghiệm, quá trình làm việc của người đó. Vậy Đại tá Trọng có kinh nghiệm gì ở Cục An ninh Nội địa để được bổ nhiệm vào BTGCP?
Cục An ninh Nội địa (A02) là cục chống phản động của Bộ Công an, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo an ninh về tôn giáo, dân tộc thiểu số và chống khủng bố.
Trong khi đó, BTGCP lại là đơn vị của chính phủ, giúp Bộ Nội vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. BTGCP không có chức năng nào liên quan đến an ninh tôn giáo hay chống phản động.
Việc cán bộ công an cao cấp được bổ nhiệm vào Ban Tôn giáo Chính phủ, dù vậy, không phải là chuyện gì mới.
Trưởng ban BTGCP hiện nay là Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, một thiếu tướng công an. Ông Thắng từng là giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, cục trưởng Cục An ninh Tây Bắc, phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh của Bộ Công an.
Người dân hoàn toàn có lý do để nghi ngờ về chức năng thực sự của Ban Tôn giáo Chính phủ sau những vụ bổ nhiệm như thế này, và việc có hay không một thứ gọi là “công an tôn giáo”.
“Công an tôn giáo” vẫn là một huyền thoại của nhà nước Việt Nam. Các chức sắc độc lập khẳng định có, chính quyền lại nói không.
Năm 2007, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã yêu cầu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành công an tôn giáo.
Đó là lần thứ hai Thiền sư Nhất Hạnh và tăng đoàn của ông được trở về nước. Ông và đệ tử đã trải nghiệm được chiếc lưới an ninh rất dày mà ngành công an tôn giáo và Ban Tôn giáo Chính phủ sử dụng.
“Đi đâu, làm gì, phái đoàn cũng phải cho công an biết trước; nếu công an xét không có an ninh thì không được đi, không được làm. Cũng vì vậy cho nên trong suốt thời gian thăm viếng, phái đoàn có cảm giác không được thoải mái lắm”, trích thư Làng Mai số 31.
Trong một lễ cúng tế của tăng đoàn Làng Mai tại chùa Vĩnh Nghiêm, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Bùi Hữu Dược đã yêu cầu không được nhắc đến “người thuyền nhân bị thiệt mạng trên biển cả, các nạn nhân chiến tranh của miền Nam, trong đó có các binh sĩ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, không được nói tới các hố chôn tập thể, không được nói tới tù đày, học tập cải tạo, v.v…”. Lý do của yêu cầu này là để “ổn định an ninh vùng”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kết luận rằng: “Thế hệ lãnh đạo trước đã lập ra Ban Tôn giáo và ngành công an tôn giáo với mục đích kiểm soát hoạt động tôn giáo, trên căn bản nhận thức tôn giáo là duy tâm, là thuốc phiện của dân, cần phải được nhiếp phục, cần phải được hạn chế”.