Bầu cử ở các quốc gia đơn đảng có hoàn toàn vô nghĩa?

Dữ liệu bầu cử ở các quốc gia đơn đảng nói lên nhiều điều hơn ta tưởng.

Một cuộc bầu cử ở Liên Xô. Ảnh: Roman Azriel/TASS.
Một cuộc bầu cử ở Liên Xô. Ảnh: Roman Azriel/TASS.

“Đã một đảng rồi thì còn bầu ai?”

“Chưa bầu cử đã kiện toàn lãnh đạo, giá trị bầu cử ở đâu?”

“Tốn ngàn tỷ cho đại hội đảng rồi giờ thêm ngàn tỷ cho tổng tuyển cử, có thay đổi được gì không?”

Đây là những câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong mùa bầu cử ở Việt Nam. Và người viết đồng tình 100% với những câu hỏi tu từ thế này.

Tuy nhiên, một số học giả phương Tây cho rằng không nên từ bỏ hoàn toàn việc phân tích dữ liệu của các cuộc bầu cử này. Nếu biết nghiên cứu đúng cách, chúng sẽ cho chúng ta không chỉ một cái nhìn toàn cảnh về đời sống chính trị tại các quốc gia đơn đảng, mà còn có thể là tương lai của quốc gia đó.


Tóm tắt:

  • Theo chính trị gia, học giả chính trị học nổi tiếng người Ba Lan Jerzy Wiatr, bầu cử tại các quốc gia đơn đảng có thể không phải là nơi quyết định ai lãnh đạo quốc gia, nhưng là chiến trường tín nhiệm.
  • Giáo sư Jerome M. Gilison, mặt khác, lại cho thấy một con đường khác để hiểu thêm về bất đồng chính kiến tại các quốc gia đơn đảng nhờ vào con số bầu cử. Với chỉ số bất đồng cá nhân (IDI) và chỉ số bất đồng nhóm (GDI), Gilison gợi mở một cách tiếp cận mới để nghiên cứu bầu cử ở các quốc gia đơn đảng nói chung, và từ đó hiểu được cộng đồng đang nghĩ gì, đang làm gì.

Cuộc chiến tín nhiệm

Chính trị gia, nhà khoa học chính trị người Ba Lan Jerzy Wiatr có thể được xem là một trong những tác giả đầu tiên xét lại thói quen phủ nhận hoàn toàn giá trị của các cuộc bầu cử tại các quốc gia cộng sản cũ. Từ thập niên 1960, ông đã nhắc nhở rằng các nhà nghiên cứu không nên xem thường giá trị của các lá phiếu không tán thành trong các cuộc bầu cử cộng sản.

Đóng góp một bài luận có tên “Elections and Voting Behavior in Poland” trong quyển “Essays on the behavioral study of politics”, [1] Wiatr thừa nhận rằng dân chủ kiểu cộng sản thường mang dáng dấp của hoạt động “thi đua yêu nước” (patriot exercise) hơn là một cuộc bầu cử dân chủ thật sự. Ông cũng đồng tình với lập luận cho rằng, trong hầu hết mọi trường hợp, bầu cử đơn đảng chắc chắn không thể phản ánh đúng tâm tư và nguyện vọng của cộng đồng.

Tuy nhiên, Wiatr không muốn phủ nhận hoàn toàn một số hiệu quả lẫn lợi ích tiềm tàng của các cuộc bầu cử dân chủ phi tự do như thế (illiberal democracy). Cụ thể hơn, chúng ta có thể xem xét khái niệm bầu cử mô hình đơn đảng của Đảng Cộng sản mà ông nhắc đến: “bầu cử đồng thuận” (consent elections).

“Consent election” nhằm chỉ những cuộc bầu cử mà cử tri không đưa ra bất kỳ lựa chọn nào để quyết định cấu trúc và cán cân quyền lực giữa các chính đảng. Tuy nhiên, họ được cho là nắm giữ quyền tự do ý chí (free will) để:

  • Thể hiện việc mình bằng lòng hay không bằng lòng với các chính sách hiện tại;
  • Gây ảnh hưởng ít nhiều đến việc lựa chọn và hình thành nên cơ quan đại diện dân cử quốc gia, bằng cách bỏ phiếu chống hoặc phiếu thuận đối với từng ứng cử viên nhất định.

Như vậy, những cuộc bầu cử đồng thuận chưa bao giờ được sử dụng để quyết định ai kiểm soát và lãnh đạo quốc gia. Tuy nhiên, họ có gây ảnh hưởng phần nào lên cách mà quốc gia được dẫn dắt.

Các đảng phái chính trị đối lập đã bị xóa bỏ hoàn toàn, nhưng chính người dân có thể hình thành sự đối lập đó bên trong nội tại cộng đồng của mình. Không phải bằng cách phủ quyết hay từ chối thực hiện chính sách, họ thể hiện sự đối lập này bằng cách làm giảm độ tín nhiệm và độ tin tưởng của mình đối với các cá nhân lãnh đạo hoặc chính sách.

Trong một số trường hợp, khi chính bản thân đảng cầm quyền rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, họ có thể sử dụng các con số tín nhiệm trong bầu cử để làm minh chứng và phục vụ cho việc đưa ra quyết sách cuối cùng.

Cảnh bỏ phiếu bầu đại biểu Xô-viết Tối cao tại Leningrad (nay là Saint Petersburg), ngày 1/3/1984. Ảnh: Ivan Kurtov/ TASS .
Cảnh bỏ phiếu bầu đại biểu Xô-viết Tối cao tại Leningrad (nay là Saint Petersburg), ngày 1/3/1984. Ảnh: Ivan Kurtov/ TASS .

Người viết hoàn toàn có thể chỉ ra điểm yếu của “consent election” do Wiatr tổng kết trong vòng vài câu hỏi.

Nếu cử tri về cơ bản đã không được lựa chọn lãnh đạo, liệu họ có được tiếp cận với một lượng thông tin vừa đủ để đưa ra quyết định lựa chọn đại biểu thật sự có ý nghĩa?

Liệu thông tin về phiếu bầu và việc kiểm đếm phiếu bầu có thật sự được ghi nhận một cách chính trực?

Và giả sử người dân thật sự không tín nhiệm một chính sách, hoặc một vị dân biểu, liệu một chính quyền có quyền lực không giới hạn có cần quan tâm hay không?

Những ví dụ từ khu công nghiệp Dung Quất cho đến vị dân biểu không ai bầu Đỗ Văn Đương cho thấy thước đo tín nhiệm không đủ để tạo áp lực thay đổi lên các quốc gia độc đảng. [2]

Thước đo bất đồng chính kiến bắt đầu với bầu cử địa phương

Một góc nhìn khác đến từ giáo sư Jerome M. Gilison, trường Đại học John Hopkins và là một chuyên gia phân tích về Liên Xô cho Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA). [3]

Trong nghiên cứu có tên gọi “Soviet Elections as a Measure of Dissent: The Missing One Percent”, Gilison cũng hoàn toàn đồng tình với các nghiên cứu trước đó rằng bầu cử tại Liên Xô nói riêng và các quốc gia cộng sản nói chung chỉ có ý nghĩa hình thức. [4]

Từ một cuộc dương oai đại chúng về tính chính danh của nhà cầm quyền, một hoạt động tuyên truyền chính trị, cho đến bằng chứng chính minh khả năng kiểm soát xã hội của chính quyền không thể bị suy giảm, bầu cử tại những quốc gia này giống như… hát quốc ca hay chào cờ vậy.

Đi bầu không chỉ (hoặc không phải) nhằm lựa chọn người “tài đức”, nó là lời tái khẳng định về việc chấp nhận lối sống xã hội chủ nghĩa (socialist way of life) và sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản.

Một ứng cử viên tranh cử vào Xô-viết Tối cao tiếp xúc cử tri. Ảnh: Boris Kavashkin/ TASS.
Một ứng cử viên tranh cử vào Xô-viết Tối cao tiếp xúc cử tri. Ảnh: Boris Kavashkin/ TASS.

Tuy nhiên, Gilison chỉ ra vài cách để hiểu về bất đồng chính kiến tại Liên Xô.

Trước tiên, cần bỏ qua các cuộc bầu cử cấp quốc gia (như bầu cử Quốc hội tại Việt Nam).

Ông cho rằng các chính quyền cộng sản thường có xu hướng cho phép tồn tại các chính kiến bất đồng ở mức độ khu vực, địa phương và có tính cục bộ vụ việc cụ thể. Trong khi đó, họ lại quan sát và trừng phạt rất nghiêm khắc các chính kiến bất đồng có tính chất quốc gia. Vì lý do này, chính bản thân người dân Liên Xô và các quốc gia cộng sản đa phần bị phi chính trị hóa đối với các vấn đề chính sách chung, có tính nền tảng.

Thứ hai, ông cho rằng có thể dựa vào các biến số như tỷ lệ cử tri không đi bầu, số phiếu chống và số lượng ứng cử viên do đảng chọn bị loại để cân đo đong đếm chính kiến bất đồng. Cũng như Gilison đã phân tích, các con số này cần lấy từ bầu cử địa phương, bởi các ứng cử viên đảng cử trong Xô-viết Tối cao chắc chắn “bất khả chiến bại”.

Đối với tỷ lệ cử tri không đi bầu, đây là những người dù đối mặt với bộ máy tuyên truyền khổng lồ và các biện pháp bắt buộc đi bầu, vẫn quyết định không đi bầu. Gilison gọi đó là Chỉ số Bất đồng Cá nhân (Individual Dissent Index – IDI).

Đối với số phiếu chống và số lượng ứng cử viên do đảng chọn bị loại tại địa phương, ông dùng khái niệm Chỉ số Bất đồng Nhóm (Group Dissent Index – GDI). Gilison lập luận rằng trong các cộng đồng nhỏ, việc thảo luận và bàn bạc về một ứng viên địa phương vẫn vô cùng sôi động, khác với các ứng viên quốc gia “từ trên trời rơi xuống”. Việc một ứng viên rớt, hoặc tỷ lệ bỏ phiếu chống cao, đồng nghĩa với việc các cộng đồng nhỏ đã có sự gắn kết và tư duy dân chủ tập thể để thể hiện sự không bằng lòng của mình với lựa chọn của đảng.

Gilison từ đó phân tích từng chỉ số bằng cách so sánh theo địa phương.

Dữ liệu của Jerome M. Gilison.

Bảng đầu tiên cho thấy tỷ lệ IDI càng cao thì khả năng không đồng thuận càng lớn. Trong đó, Estonia, RSFSR (hay chính là Cộng hòa Nga bên trong Liên bang Xô-viết), Kazakhstan và Latvia có mức độ chống đối cá nhân cao hơn hẳn so với các nước cộng hòa thành viên khác.

Theo quan điểm của người viết, điều này dường như phản ánh đúng tiến trình phát triển của lịch sử, khi Estonia và Latvia là những nền cộng hòa đòi độc lập mạnh mẽ nhất trong giai đoạn sau này. Trong khi đó, người dân Cộng hòa Nga đóng vai trò mấu chốt trong việc ngăn cản cuộc đảo chính của quân đội Liên Xô và giúp dẫn đến sự sụp đổ của toàn thể liên bang.

Tỷ lệ GDI thể hiện một bức tranh tương tự.

Dữ liệu của Jerome M. Gilison.

Bảng trên thể hiện chỉ số GDI càng thấp thì sự bất đồng càng cao. Có thể thấy, Cộng hòa Nga, Estonia và Latvia tiếp tục là các nền cộng hòa nơi có nhiều ứng cử viên địa phương do đảng chọn bị thất cử nhiều nhất.

Nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều điểm thú vị khác.

Ví dụ như, tác giả tìm ra được bằng chứng cho thấy dân cư thành thị Liên Xô dễ bất đồng chính kiến với chính quyền hơn (thông qua IDI).  Gilison cho rằng nguyên nhân là họ có nhiều thông tin hơn, được đào tạo bài bản và tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa phương Tây.

Tuy nhiên, cư dân nông thôn lại dễ xây dựng được chính kiến bất đồng nhóm (GDI) hơn so với cư dân thành thị. Ông lý giải việc này nhờ vào sự kết nối và sự thảo luận chính trị diễn ra đều đặn hơn, có tính cộng đồng hơn.

Tài liệu tham khảo:

  1. “Elections and Voting Behavior in Poland,” in Ranney, Austin (ed.), Essays on the Behavioral Study of Politics (Urbana, Ill.: University of Illinois Press, 1962), pp. 235–251.
  2. Hương, C. L. (2020, June 28). Đỗ Văn Đương – dân biểu không ai bầu. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/06/do-van-duong-dan-bieu-khong-ai-bau
  3. THE BALTIMORE SUN. (2001, July 22). Jerome M. Gilison, 65, Russia analyst for. . . https://www.baltimoresun.com/news/bs-xpm-2001-07-22-0107220057-story.html
  4. Gilison, J. M. (1968). Soviet Elections as a Measure of Dissent: The Missing One Percent. American Political Science Review, 62(3), 814–826. https://doi.org/10.2307/1953432

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.