Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Chính quyền sẽ cần phải giải quyết những vấn đề mà chính họ đã tạo ra.
Vào đầu tháng 6/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã có phát biểu đáng chú ý về “đạo lạ” trong một hội thảo về đất đai tôn giáo.
“Dự báo thời gian tới, Việt Nam sẵn sàng đón tất cả các tôn giáo, thậm chí là các đạo lạ, đó là xu hướng phát triển tự nhiên, có tôn giáo là có tín đồ...”, ông Thắng, người cũng đang đứng đầu Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết. [1]
Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết chỉ hai tháng trước phát ngôn trên, vào tháng 4/2021, chính ông Thắng đã kêu gọi chính quyền, công an các địa phương “ngăn chặn các ‘tà giáo’ hoạt động trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội”. [2]
“Đạo lạ” và “tà giáo” trong phát ngôn của ông Thắng khác nhau như thế nào? Phong trào tôn giáo mới là gì? Bạn cần biết những gì về phong trào này?
Nếu bạn cố tìm kiếm trên Google thuật ngữ tương tự với “đạo lạ” trong tiếng Anh, khả năng cao bạn sẽ tìm thấy một bài hát.
“Đạo lạ” là từ do các nhà nghiên cứu Việt Nam sáng chế với ý chỉ một tôn giáo, tín ngưỡng chưa thể khẳng định là tốt hay xấu, nhưng trước hết là có các sinh hoạt khác với các tôn giáo chính thống. [3]
Trên thế giới, khi đề cập đến các tôn giáo xuất hiện từ sau thế kỷ XIX, người ta thường sử dụng cụm từ tôn giáo mới (new religion), phong trào tôn giáo mới (new religious movement), nhưng phổ biến hơn cả là giáo phái (cult).
Theo giáo sư ngôn ngữ học Robin Clark, thuộc trường Đại học Pennsylvania, vào nửa đầu thế kỷ XX, từ “cult” được ngành xã hội học dùng để chỉ những nhóm xã hội có niềm tin và thực hành lệch lạc với chuẩn mực xã hội. Trước đó, người ta dùng từ này để chỉ các hoạt động mang tính sùng bái tôn giáo thông thường. [4]
Chính quyền Trung Quốc nổi tiếng về việc sử dụng từ “tà đạo” (evil cult) để đàn áp các giáo phái mới thu hút đông đảo người tham gia như Pháp Luân Công, Hội Thánh Đức Chúa Trời Toàn Năng, Môn đồ hội (Mentuhui), v.v.
Chữ “tà đạo” cũng được chính quyền và báo chí Việt Nam sử dụng thường xuyên khi muốn tấn công một giáo phái nào đó.
Có lẽ bạn đã quen nghe về các cụm từ “tà đạo, đạo lạ, giáo phái” từ hệ thống tuyên truyền thông qua báo chí, chính quyền địa phương. Trong ba cụm từ này, “tà đạo” được sử dụng phổ biến nhất.
Trong các bài viết nhằm mục đích tuyên truyền chính trị, chính quyền địa phương gọi các giáo phái được cho là có các hoạt động chống chính quyền, lợi dụng niềm tin của người dân là “tà đạo”. Ví dụ như “tà đạo Hà Mòn”, “tà đạo Hội thánh Đức Chúa trời”, “tà đạo Dương Văn Mình”, v.v. [5] [6] [7]
Điều đáng nói ở đây là không một cụm từ nào trong ba cụm từ trên được định nghĩa trong các văn bản pháp luật của Việt Nam.
Trong một bài viết tường thuật hội thảo về “tà đạo, đạo lạ” do Ban Tôn giáo Chính phủ và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức giữa tháng 6/2021, “tà đạo” được cho là một phần của các “đạo lạ”. [8]
“Trong số các đạo lạ, có những loại hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, thậm chí mang màu sắc chính trị, hoạt động vi phạm pháp luật, tác động xấu đến an ninh trật tự, được gọi chung là tà đạo”, bài viết trên trang của Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết.
Khi nghe đến các giáo phái, phản ứng đầu tiên của bạn như thế nào? Có phải bạn cảm thấy mình bỗng dưng dè chừng, bạn tự mặc định rằng “giáo phái” sẽ giảng dạy những điều không hợp lý, lợi dụng người tham gia để trục lợi, khiến họ trở nên cuồng tín?
Tiến sĩ Ori Tavor, khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, trường Đại học Đại học Pennsylvania cho rằng bản thân cụm từ “giáo phái” là dùng để chỉ một phong trào nào đó đang gây tranh cãi, bị xem là mối đe dọa đối với xã hội chính thống. [9]
Ông cho biết, cần nhiều thời gian để một phong trào được chấp nhận trong bối cảnh tôn giáo hiện tại.
Vào thời gian đầu, khi đạo Mặc Môn được sáng lập tại Mỹ, tôn giáo này bị cho là mê tín dị đoan, với nhiều hủ tục bao gồm việc cho phép đàn ông lấy nhiều vợ (bị bãi bỏ vào năm 1890). Đạo này bị thù ghét đến nỗi nhà sáng lập Joseph Smith bị đám đông sát hại vào năm 1844 trong lúc đang bị giam giữ. [10] Hiện nay, đạo này có hơn 14 triệu tín đồ và được công nhận trên khắp thế giới. Năm 2019, chính quyền Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho đạo Mặc Môn. [11]
Các thành viên của phong trào Cơ đốc Phục Lâm từng tuyên bố tận thế sẽ đến vào năm 1843, nhưng thế giới vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Đây cũng là một tôn giáo được công nhận tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các câu chuyện khởi sinh của giáo phái mới tại Việt Nam thường bị chính quyền từ chối. Các tôn giáo mới bị chỉ trích, kết tội và loại ra khỏi xã hội. Ta có thể xem xét hai câu chuyện sau đây, dù cùng một nội dung nhưng lại có cái kết rất khác nhau.
Câu chuyện thứ nhất: Vào những ngày đó, nhiều giáo dân đang lánh nạn từ cuộc bách đạo của quan quân. Đến một hôm, trong lúc mọi người đang cầu nguyện thì một người phụ nữ hiện ra. Bà mặc áo choàng, tay ẵm Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần đi theo. Giáo dân lập tức biết đó là Đức Mẹ. Bà ân cần an ủi các giáo dân, dặn họ hái lá cây quanh đó, nấu lá lấy nước uống để trị dứt các chứng bệnh. Bà cũng dặn các giáo dân hễ có chuyện gì hãy đến chốn này để cầu nguyện và bà sẽ ban ơn theo ý nguyện. Vài trăm năm sau, nơi đây trở thành một thánh địa hành hương nổi tiếng có tên Thánh địa La Vang, dù không ai biết chính xác sự kiện Đức Mẹ hiện ra đó đã xảy ra vào thời gian nào. [12]
Câu chuyện thứ nhì: Vào năm 1999, tại làng Kơ Tu, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kontum, một người phụ nữ dân tộc Bahnar tên là Ygyin cho rằng chính bà đã thấy Đức Mẹ hiện hình. [13] Bà đã đem câu chuyện đó kể cho các giáo dân khác, rồi mọi người cùng lập một nhóm thờ Đức Mẹ gọi là “Công giáo Hà Mòn”. Bà đi khắp nơi để kể câu chuyện của mình và mời gọi mọi người tham gia nhóm, “ai theo ‘Đức Mẹ’ sẽ được phù hộ, cứu rỗi linh hồn, sau này chết sẽ được lên thiên đàng”. [14]
Cái kết của câu chuyện thứ nhì là bà Ygyin bị chính quyền kết tội tuyên truyền tà đạo và phải chịu án tù. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Gia Lai cho rằng việc bà nói “Đức Mẹ sẽ phù hộ, cứu rỗi linh hồn” là để lừa bịp người dân. [15] Tuy nhiên, phát ngôn đó của bà Ygyin hoàn toàn phù hợp với đức tin của đạo Công giáo. Năm 2013, bà cùng với các tín đồ khác bị tuyên án ba năm tù giam, trong một vụ án mà họ bị cáo buộc cấu kết với các thành viên FULRO nước ngoài chống đối chính quyền Việt Nam. [16]
Hiện nay, chính quyền địa phương, báo chí, công an đang “buộc tội” một số giáo phái là “tà đạo” một cách hoàn toàn cảm tính. Cách buộc tội như vậy khiến các tín đồ của các giáo phái không tôn trọng cách quản lý của chính quyền, và người dân thì ngày càng sợ hãi, kỳ thị các giáo phái.
Đạo Hà Mòn chỉ là một trong 85 “đạo lạ” hiện nay tại Việt Nam, theo Ban Tôn giáo Chính phủ. [17] Trong tương lai, việc sa đà vào định nghĩa “đạo lạ”, “tà giáo” sẽ khiến Việt Nam ngày càng trở thành một xã hội kém dung nạp, kỳ thị tôn giáo.
Việt Nam sẽ đón nhận các “đạo lạ” như phát ngôn của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng như thế nào vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Tuy nhiên, việc đón nhận này ít nhiều sẽ khiến chính quyền phải tự tay nới lỏng “chiếc áo” kiểm soát tôn giáo hiện nay.
Bấy lâu nay, chiếc áo đó đã được đan bằng nhiều lớp chằng chịt, với bộ máy quản lý tôn giáo từ trung ương đến địa phương, lực lượng công an, báo chí - tuyên truyền, viện kiểm sát, tòa án, và Quốc hội với việc ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016.
Năm 2021, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern – CPC) dành cho những nước dung túng các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo. [18]
Trước khi tiến tới việc đón nhận các “đạo lạ”, chính quyền Việt Nam cần phải giải quyết những vấn đề do chính mình đã tạo ra.
Thứ nhất, việc định nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 khiến các giáo phái mới không đạt tiêu chuẩn để được hoạt động tôn giáo công khai. Chính quyền đã dựa vào những định nghĩa này để trấn áp hoạt động của các giáo phái.
Thứ nhì, nỗ lực của ngành báo chí và tuyên giáo trong những năm qua đã làm cho người dân tin rằng các giáo phái mới có nhiều mặt xấu hơn là mặt tốt. Việc này có thể sẽ là một cản trở lớn khi chính quyền cho phép các giáo phái hoạt động.
Thứ ba, không chỉ Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, còn rất nhiều quy định bất cập khác đối với tôn giáo liên quan đến việc cấp đất đai, quyên góp, từ thiện cũng cần sửa đổi nếu như Việt Nam muốn dung nạp các tôn giáo mới.
Thứ tư, lực lượng công an, cán bộ chính quyền địa phương, cán bộ tôn giáo đã quen với cách can thiệp, trấn áp các hoạt động của các giáo phái. Việc phân biệt “đạo lạ”, một thứ có thể chấp nhận, và “tà đạo”, không được phép tồn tại chắc chắn sẽ đem lại khó khăn cho những lực lượng này.
Dù sao đi nữa, phát ngôn của ông Vũ Chiến Thắng ở cương vị hiện tại cũng là một tín hiệu hứa hẹn đối với các giáo phái mới và các tín đồ, dù chưa rõ chiếc áo đã quá chật sẽ được nới rộng như thế nào.
Chú thích
1. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, June 3). Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-co-che-quan-ly-su-dung-dat-ton-giao-tin-nguong-postjpR9lP4l.html
2. Báo Tuổi Trẻ. (2021a, April 2). Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Ngăn chặn các hiện tượng “tà đạo.” https://tuoitre.vn/thu-truong-bo-noi-vu-ngan-chan-cac-hien-tuong-ta-dao-20190705145401961.htm
3. Học viện Khoa học Xã hội. (2021, January 26). Tọa đàm khoa học số 03: Các hiện tượng tôn giáo mới và chính sách, pháp luật của Việt Nam. https://gass.edu.vn/SitePages/News_Detail.aspx?categoryId=36&itemId=46503
4. Penn Today. (2019, August 29). Is it a cult, or a new religious movement? https://penntoday.upenn.edu/news/it-cult-or-new-religious-movement
5. Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương. (2020, April 24). Đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. https://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/dau-tranh-xoa-bo-ta-dao-ha-mon-tren-dia-ban-tinh-dak-lak-127509
6. Báo Công an Nhân dân. (2018, May 1). Tà đạo Hội thánh Đức Chúa trời: Cần biện pháp xử lý mạnh. https://cand.com.vn/doi-song/Ta-dao-Hoi-thanh-Duc-Chua-troi-Can-bien-phap-xu-ly-manh-i473890/
7. An ninh Thủ đô. (2013, November 3). Đừng để thù nghịch lấp đầy lý trí. https://anninhthudo.vn/dung-de-thu-nghich-lap-day-ly-tri-post184585.antd
8. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, June 17). Hội thảo về thực trạng đạo lạ, tà đạo ở Việt Nam hiện nay. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-thao-ve-thuc-trang-dao-la-ta-dao-o-viet-nam-hien-nay-postn4A71Zqj.html
9. Xem [4]
10. History. (2020, December 14). The Mormon Church officially renounces polygamy. https://www.history.com/this-day-in-history/the-mormon-church-officially-renounces-polygamy
11. Đại đoàn kết. (2019, December 7). Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô: Lan tỏa đức tin từ một đời sống lành mạnh. http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/giao-hoi-cac-thanh-huu-ngay-sau-cua-chua-giesu-kito-lan-toa-duc-tin-tu-mot-doi-song-lanh-manh-tintuc454129
12. Chuyên trang thông tin hành hương La Vang. (2017, July 17). Phần 1: Sự tích Đức Mẹ La Vang. https://lavang.com.vn/su-tich-duc-me-la-vang/
13. RFA. (2020, December 22). Thực hư việc Công an Gia Lai nói đã xóa đạo Hà Mòn, chặn việc phục hồi tổ chức phản động. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-gia-lai-police-completely-eradicated-ha-mon-sect-of-montagnard-12222020175334.html
14. Tuyên giáo Gia Lai. (2016, August 22). “Hà Mòn” sự thật về một tà đạo. http://thongtintuyengiaogialai.vn/default1.asp?655=5&658=44&657=5101&654=4
15. Xem [14]
16. BBC. (2013, May 28). 63 năm tù cho nhóm đạo Hà Mòn. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2013/05/130528_ha_mon_group_trial_in_gia_lai
17. Xem [8]
18. Luật Khoa. (2021, May 12). Tôn giáo tháng 4/2021: Hoa Kỳ đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần “quan tâm đặc biệt.” https://www.luatkhoa.org/2021/05/ton-giao-thang-4-2021-hoa-ky-de-nghi-dua-viet-nam-vao-danh-sach-cac-quoc-gia-can-quan-tam-dac-biet/