Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Khi những người ra chính sách không nhận biết hậu quả từ các quyết định của mình.
Khi Ấn Độ còn nằm dưới sự cai trị của thực dân Anh, thành phố Delhi của nước này đối mặt với tình trạng rắn hổ mang tràn lan khắp nơi.
Để dẹp bớt các ca bị rắn độc cắn, thị trưởng Delhi vận động người dân cùng tham gia diệt rắn. Chính quyền đặt ra mức tiền thưởng cho mỗi bộ da rắn hổ mang được người dân đem nộp.
Số lượng rắn bị giết tăng lên nhanh chóng, lượng tiền thưởng chính quyền trả cho người bắt rắn cũng ngày càng nhiều. Nhưng tình trạng rắn xuất hiện trong thành phố không có vẻ thuyên giảm.
Các quan chức phát hiện ra nhiều người dân đã nhanh nhạy nhận thấy cơ hội kinh doanh, mở các trại nuôi rắn để lột da đem đổi lấy tiền thưởng. Ngay lập tức, chính sách đổi rắn lấy tiền bị bãi bỏ.
Những người nuôi rắn, giờ đây mất đi động lực, thả hết các bầy rắn của mình. Thành phố sau đó ngập tràn rắn hổ mang hơn cả trước kia.
Câu chuyện này được kể lại trong quyển sách của nhà kinh tế học Horst Siebert, và được ông đặt cho tên gọi “hiệu ứng hổ mang” (cobra effect). [1]
Với người Việt Nam, chỉ cần thay rắn bằng chuột, câu chuyện sẽ trở nên hết sức quen thuộc. [2]
Năm 1902, lo ngại tình trạng lây lan dịch hạch từ chuột, chính quyền thực dân Pháp ở Hà Nội đặt ra chính sách khuyến khích người dân tham gia diệt chuột. Cứ mỗi cái đuôi chuột sẽ được đổi lấy tiền thưởng.
Chỉ trong vài tháng, hàng trăm ngàn con chuột, hay chính xác hơn là cái đuôi của chúng, được giao nộp cho nhà chức trách để lãnh tiền. Nhưng tình trạng chuột tràn lan không có vẻ cải thiện.
Các quan chức sau đó nhận ra nhiều người đã xem đây là một sinh kế mới. Thay vì giết chuột, họ bắt chúng để chặt đuôi đem lãnh thưởng. Những con chuột bị chặt đuôi được thả ra để tiếp tục sinh sản, và cứ thế người dân càng có nhiều chuột để bắt đổi tiền thưởng. Người ta còn phát hiện đường dây buôn lậu chuột từ các địa phương khác đem về Hà Nội.
Vậy là thay vì giúp giải quyết nạn chuột hoành hành, chính sách diệt chuột khiến vấn đề còn nghiêm trọng hơn lúc đầu.
Đó là những ví dụ kinh điển của “hiệu ứng hổ mang”: các quyết định tạo ra hậu quả ngược so với ý định ban đầu.
Những chính sách này còn được gọi chung là “perverse incentives”, tạm dịch là “tiêu chí nghịch”.
Vì sao người ta lại ban hành những chính sách mang lại kết quả ngược như vậy?
Câu trả lời ngắn gọn là vì họ không nghĩ tới những hậu quả đó.
Phần lớn chúng ta hình dung thế giới vận hành theo mối quan hệ nhân quả rất đơn giản: A gây ra B, từ đó suy ra chỉ cần chặn A là sẽ loại được B.
Trên thực tế, các quan hệ nhân quả trong thế giới thực thường là nhiều mớ bòng bong phức tạp đan xen vào nhau.
Trong rất nhiều trường hợp, thứ gây ra B ngoài A còn có A1, A2, A3, thậm chí là An. Về phần mình, mỗi một nhân tố A đó ngoài quan hệ với B còn có vô số mối liên hệ với các B1, B2, B3 cho tới Bn.
Lấy ví dụ đơn giản như tai nạn giao thông. Có vô số lý do có thể dẫn đến việc hai chiếc xe va chạm nhau ngoài đường. Vượt đèn đỏ. Ngủ gục. Say rượu. Cúi mặt vào điện thoại. Mất thắng. Xe nổ bánh. Dính phải ổ gà. Quá tốc độ. Vượt mặt không quan sát. Hay thậm chí đang chán đời muốn tự tử.
Với mỗi một lý do, đằng sau nó lại là cả một chuỗi những mối quan hệ đan xen khác.
Bác tài có thể ngủ gục vì phải chạy giao hàng nhiều ngày liên tục khi công ty thiếu nhân viên. Công ty thiếu nhân viên là do không kịp xin mẫu giấy phép đi đường mới nhất vừa được cập nhật cách đây 24 giờ. Lỗi lúc này sẽ không phải là của bác tài mà là của công ty. Tuy vậy, vấn đề lớn hơn sẽ nằm ở phía chính quyền khi liên tục thay đổi các quy định về giấy phép đi đường, hoặc sâu xa hơn là chính sách quản lý quan liêu và kém hiệu quả, đẩy khó khăn về phía doanh nghiệp.
Nhưng bác tài cũng có thể kiệt sức do phải chạy nhiều ngày liên tục để đạt chỉ tiêu công ty đề ra. Lúc này trách nhiệm sẽ nằm ở phía doanh nghiệp với các chính sách ép buộc nhân viên phải đánh đổi sức khỏe để lấy thành tích.
Hoặc chuyện bác tài ngủ gục có thể là do lối sống không điều độ, dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi để cày game online hay bài bạc thâu đêm suốt sáng.
Nó cũng có thể là tổng hợp của tất cả những yếu tố trên và nhiều nguyên nhân khác.
Chỉ với một tình huống đơn giản là hai chiếc xe va chạm nhau ngoài đường, người ta có thể cần phải có vài trăm cái nghiên cứu công phu để hiểu tương đối cặn kẽ chuyện gì đã xảy ra.
Nhưng phản ứng thông thường của rất nhiều người khi chứng kiến sự việc tương tự xảy ra chỉ là “chắc thằng đó say rượu”, “ai biểu chạy nhanh quá làm chi”, hay những câu kiểu “đúng là đàn bà”.
Ai là người có quyền ra chính sách để người khác tuân theo? Đó là những người ở vị trí quản lý của các tổ chức, hoặc ở tầm cao hơn là điều hành nhà nước. Mặc nhiên, để có thể ngồi vào những vị trí có quyền sinh sát, tầm mức tư duy của họ cũng phải cao hơn người khác.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, nhiều người ở vị trí lãnh đạo có hiểu biết về thế giới thực lệch lạc kém xa người bình thường.
Trong những trường hợp đó, hậu quả từ các chính sách do họ đề ra nghiêm trọng gấp nhiều lần so với vấn đề ban đầu mà chính sách nhắm tới để chỉnh sửa.
Một trong những hậu quả thảm khốc nhất của “hiệu ứng hổ mang” thuộc về chính sách “trừ tứ hại” của chính quyền cộng sản Trung Quốc thời Mao Trạch Đông. [3]
Sau khi nắm quyền vào năm 1949, chính quyền mới của Trung Quốc đối mặt với nhiều vấn đề, nổi bật trong số đó là tình hình thiếu lương thực và dịch bệnh lan truyền.
Để giải quyết các vấn đề này, vào năm 1958, Mao Trạch Đông đã khởi xướng chiến dịch “trừ tứ hại”, vận động toàn dân cùng tìm diệt chuột, ruồi, muỗi và chim sẻ. Chim sẻ bị xếp vào nhóm “tứ hại” vì người ta cho rằng chúng ăn hết ngũ cốc trên các cánh đồng của nông dân.
Khắp Trung Quốc, già trẻ lớn bé đều được vận động tham gia chiến dịch truy sát các loài sinh vật trên. Chỉ trong một thời gian ngắn, kết quả vượt trên mong đợi. Thống kê cho thấy có 11 triệu kg muỗi, 100 triệu kg ruồi, cùng với 1,5 tỷ con chuột và 1 tỷ con chim sẻ đã bị tiêu diệt. [4]
Chim sẻ bị tận diệt với mục đích bảo vệ thu hoạch của nông dân. Nhưng khi lượng chim sẻ lớn biến mất, các loài côn trùng có hại không còn thiên địch, mặc sức sinh sôi nảy nở, tàn phá nghiêm trọng mùa màng. Đây được cho là một trong những nhân tố dẫn đến nạn đói cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người Trung Quốc trong các năm sau đó.
Ở đây, ta có thể thấy một khía cạnh khác của hiệu ứng hổ mang. Trong chiến dịch “trừ tứ hại”, mà cụ thể là việc tìm diệt chim sẻ, việc thực hiện được tiến hành suôn sẻ, người dân không tìm cách “ăn gian” hay đi đường vòng mà toàn tâm toàn ý thực hiện chính sách.
Tuy nhiên, giống như mọi chính sách hổ mang khác, hậu quả ngược vẫn xảy ra khi người ban hành chính sách không nhận biết đầy đủ các mối quan hệ nhân quả của sự việc.
Và đây là mấu chốt của vấn đề: nếu người ra chính sách không nhìn thấy được hết các hậu quả từ quyết định của mình, hoặc ít nhất là nhận biết được khả năng tồn tại của các hậu quả tiềm ẩn đó, mọi chính sách họ ban ra đều sẽ giống như canh bạc may rủi.
Giống như mọi canh bạc, nhà cái – ở đây là người ra chính sách – luôn hưởng phần hơn.
Phần rủi luôn được đẩy về phía những người dân thấp cổ bé họng.
***
Kỳ 2: Thiếu tự do thông tin, rắn chuột mặc sức tàn phá
Chú thích:
1. Psychology Today. (2020). The Cobra Effect: No Loophole Goes Unexploited. https://www.psychologytoday.com/us/blog/machiavellians-gulling-the-rubes/202010/the-cobra-effect-no-loophole-goes-unexploited
2. Franceschini, I. (2020, October 20). The Great Hanoi Rat Hunt: A Conversation with Michael G. Vann. Made in China Journal. https://madeinchinajournal.com/2020/08/20/the-great-hanoi-rat-hunt/
3. Kreston, R. (2019, October 15). Paved With Good Intentions: Mao Tse-Tung’s “Four Pests” Disaster. Discover Magazine. https://www.discovermagazine.com/health/paved-with-good-intentions-mao-tse-tungs-four-pests-disaster
4. Xem [3]