Tôn giáo tháng 9/2021: Ban Tôn giáo TP. Hà Nội lo ngại các tôn giáo mới hoạt động qua mạng xã hội

Chính quyền có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng tôn giáo mới phức tạp nhất từ trước đến nay.

Tôn giáo tháng 9/2021: Ban Tôn giáo TP. Hà Nội lo ngại các tôn giáo mới hoạt động qua mạng xã hội
Ảnh trái: Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng ban Ban Tôn giáo TP. Hà Nội. Nguồn: Hoa Đất Việt. Ảnh phải: Người dân tại xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang nghe chính quyền tuyên truyền pháp luật. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

[Tôn giáo mới]

Tôn giáo mới tiếp tục là chủ đề nóng trong tháng 9/2021. Hoạt động của các tôn giáo mới tiếp tục bị chính quyền địa phương cáo buộc là mê tín dị đoan, lừa đảo hay phá rối trật tự. Cụm từ “tà đạo" - chưa được quy định trong các văn bản pháp luật - tiếp tục được chính quyền, báo chí sử dụng để hạ thấp các nhóm tôn giáo mới.

Các hoạt động tôn giáo mới ngày càng phổ biến trên các mạng xã hội khiến lực lượng công an khó nắm bắt hơn.

Một người phổ biến Pháp Luân Công bị công an ngăn chặn tại TP. Cần Thơ

Theo báo Cần Thơ, vào ngày 25/9/2021, Công an quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đã ngăn chặn một người phụ nữ 39 tuổi đang phổ biến các tài liệu về Pháp Luân Công tại phường An Thới. [1]

Người phụ nữ này bị công an đưa về trụ sở làm việc và thu giữ 190 tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công.

Công an quận Bình Thủy cáo buộc Pháp Luân Công “lợi dụng chiêu bài ‘tập luyện khí công để chữa trị bách bệnh’” nhằm tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia trong khi tổ chức này chưa được nhà nước công nhận. Cáo buộc này cũng thường được công an các địa phương khác sử dụng để ngăn chặn các hoạt động của các học viên Pháp Luân Công.

Họ khuyến cáo người dân “cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không tham gia, phát tán tài liệu, tuyên truyền, chia sẻ, bình luận các nội dung có liên quan để tránh tiếp tay cho hoạt động bất hợp pháp này.”

Công an thành phố Huế ngăn chặn hoạt động của một nhóm Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ

Máy tính, tiền, Kinh Thánh và các đồ vật của nhóm Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ tại Huế bị công an tịch thu. Ảnh: Báo Công an Nhân dân.

Theo báo Công an Nhân dân, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ngăn chặn hoạt động của một nhóm Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ vào cuối tháng 8/2021. [2]

Công an đã thẩm tra ba người của nhóm này, gồm một người nam 28 tuổi và hai người nữ 25 và 18 tuổi, cùng trú tại một ngôi nhà trọ trên đường Lương Văn Can, phường An Cựu, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bài báo cáo buộc ba thành viên của nhóm này tổ chức hoạt động tôn giáo để thu tiền của người tham gia, mỗi tín đồ tham gia phải đóng góp 1/10 thu nhập hàng tháng.

Bài báo cho biết công an đã xâm nhập vào máy tính của một trong ba người và phát hiện ra các tài liệu truyền đạo, danh sách thành viên “dâng lễ vật”. Đồng thời, công an cũng thu giữ 3 quyển kinh, khoảng 200 phong bì chứa tiền dâng lễ với tổng số tiền là hơn 66 triệu đồng.

Toàn bộ bài báo không trích dẫn phản hồi nào từ ba thành viên bị cáo buộc của hội thánh.

Giống như phong cách tuyên truyền phổ biến về các tôn giáo mới, bài báo dẫn các ví dụ tiêu cực về hậu quả khi một số người dân địa phương tham gia Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ như không về nhà, không thờ cúng tổ tiên, không chăm chỉ học hành, v.v.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết vào thời điểm hiện tại có khoảng 220 người tham gia, tổ chức hoạt động tôn giáo của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ trên địa bàn tỉnh.

Nhiều năm qua, hội thánh này là một trong những nhóm thuộc phong trào tôn giáo mới tại Việt Nam bị công an truy bức. Hoạt động của nhóm này đến nay vẫn được duy trì một cách kín đáo trong các không gian riêng tư trên nhiều tỉnh thành.

Ban Tôn giáo TP Hà Nội: Nhiều tà đạo truyền giáo qua mạng xã hội

Vào tháng 9/2021, báo Tuổi Trẻ tường thuật các khuyến cáo của Ban Tôn giáo TP. Hà Nội về hoạt động truyền giáo của các tôn giáo mới trên Internet và mạng xã hội. [3]

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng ban Ban Tôn giáo TP. Hà Nội, cho biết gần đây các nhóm tôn giáo mới xuất hiện phổ biến trên mạng xã hội nhằm thu hút người dân tham gia.

Ông Dũng cáo buộc các nhóm này là hoạt động tà đạo nhằm trục lợi, dụ dỗ người tham gia dâng hiến tài sản, mua sắm tài liệu, đóng góp từ thiện, v.v. Mặt khác, theo ông Dũng, nhiều người tham gia bị thu hút về sức mạnh siêu nhiên của các giáo phái dẫn đến việc có bệnh mà không đến bệnh viện chữa trị.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng ban Ban Tôn giáo TP. Hà Nội. Ảnh: Hoa Đất Việt.

Trưởng ban Ban Tôn giáo TP. Hà Nội nói với Tuổi Trẻ rằng các hoạt động tôn giáo mới đã thay đổi so với trước đây. Các nhóm tôn giáo mới sử dụng “các từ ngữ tích cực, có ý nghĩa khoa học để mê hoặc” như: sống chủ động, thiền, năng lượng gốc, truyền năng lượng, mối tương quan giữa con người - vũ trụ, v.v.

Trong một bài viết khác, Ban Tôn giáo TP. Hà Nội cho rằng Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ đang gia tăng các hoạt động truyền đạo cho các học sinh, sinh viên qua mạng xã hội, hoặc tại các căn hộ, quán cà phê“ nhằm qua mắt lực lượng chức năng". [4]

Chính quyền Việt Nam sắp tới có thể đối mặt với các hoạt động tôn giáo mới phức tạp nhất từ trước đến nay. Chính quyền cũng đang soạn thảo thêm các quy định mới để quản lý mạng xã hội chặt chẽ hơn.

Vào tháng 7/2021, Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã đề xuất một dự thảo sửa đổi Nghị định 72 của chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Bản dự thảo chứa nhiều quy định mới về kiểm soát mạng xã hội, trong đó có quy định các thông tin vi phạm pháp luật phải được các công ty vận hành mạng xã hội gỡ bỏ trong 24 tiếng đồng hồ, còn đối với các video phát trực tuyến thì thời hạn gỡ bỏ là 3 giờ đồng hồ từ khi có thông báo của Bộ Thông tin và Truyền Thông. [5]

Công an tỉnh Bình Phước: 20 người đang tham gia Đảng Hoàng thiên Cách mạng Thế giới Đại đồng

Vào ngày 9/7/2021, Báo Bình Phước cho biết Công an tỉnh Bình Phước đang giám sát một nhóm tôn giáo có tên là Đảng Hoàng thiên Cách mạng Thế giới Đại đồng với khoảng 20 người ở tỉnh này tham gia. [6]

Công an tỉnh Bình Phước cáo buộc nhóm tôn giáo này hoạt động tà đạo, khẳng định 5 trong 20 người trên giữ vai trò tổ chức, phát triển tổ chức cho người lãnh đạo giáo phái này.

Một buổi họp mặt được cho là của nhóm tôn giáo Đảng Hoàng thiên Cách mạng Thế giới Đại đồng. Ảnh: Báo Bình Phước.

Theo báo Bình Phước, Đảng Hoàng thiên Cách mạng Thế giới Đại đồng được sáng lập vào năm 2006, hiện do một người phụ nữ 68 tuổi đứng đầu. Giáo phái không có trụ sở, giáo lý vay mượn từ Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin và các yếu tố liên quan đến vũ trụ.

Các buổi họp mặt của nhóm thường bị công an ngăn chặn. Theo bài báo, một buổi họp mặt của nhóm này vào tháng 5/2021 tại tỉnh Đồng Nai đã bị công an ngăn cản và tịch thu nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động của nhóm. Hiện chưa có cáo buộc hình sự nào đối với các thành viên của nhóm này.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, thống kê chưa đầy đủ tính đến tháng 4/2021, Việt Nam đang có 85 “đạo lạ”. Chính quyền thường xuyên tiến hành ngăn chặn hoạt động của các nhóm tôn giáo mới dù họ sinh hoạt ở những không gian riêng tư như nhà riêng, khách sạn. [7]

Chính quyền Tuyên Quang và Hà Nội ngăn chặn hoạt động của Ân điển Cứu rỗi

Tháng 9/2021, Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang cho biết trong thời gian qua, Công an tỉnh Tuyên Quang, Công an huyện Yên Sơn và Công an xã Hùng Lợi đã vận động người dân tộc thiểu số tại xã này “không tin, không theo” đạo Ân điển Cứu rỗi. [8]

Trong tháng 9/2021, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội cho biết Ân điển Cứu rỗi là “một loại tà giáo mới xâm nhập vào Hà Nội” bên cạnh hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ trên mạng xã hội. [9]

Người dân tại xã Hùng Lợi nghe chính quyền tuyên truyền pháp luật. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Báo Tuyên Quang cho biết Ân điển Cứu rỗi là giáo phái Tin Lành từ Hàn Quốc du nhập vào Việt Nam. Tờ báo nhà nước này cho rằng giáo phái đã diễn giải nhiều nội dung sai lệch với Kinh Thánh, cổ vũ cho lối sống phóng túng, tha hóa đạo đức, thúc đẩy các hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội. [10]

Kiểu tuyên truyền trên không chỉ xuất hiện đối với trường hợp đạo Ân điển Cứu rỗi mà còn đối với nhiều nhóm tôn giáo mới khác. Chính quyền địa phương, công an thường tùy tiện diễn giải, tự đánh giá về tính đúng đắn về hoạt động, giáo lý của các nhóm tôn giáo mới.

Theo tờ The Diplomat, Ân điển Cứu rỗi, tên tiếng Anh là “The Salvation Sect”, bắt đầu hoạt động vào những năm 1970 tại Hàn Quốc. [11]

Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) cho biết Ân điển Cứu rỗi hay Sự cứu rỗi đời đời được một người tên Nam cùng vợ và con gái tích cực truyền đạo tại Việt Nam. Tháng 5/2020, hội thánh đã thông báo cách chức hai trưởng nhiệm tại tỉnh Lào Cai do tham gia giảng dạy giáo lý của Ân điển Cứu rỗi cho các tín đồ. [12]

[Bàn tay chính quyền]

Chương trình hành động của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo 2021- 2025: Tôn giáo vẫn bị xem là nguy cơ gây bất ổn xã hội

Ảnh chụp màn hình chương trình hành động của ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo 2021 - 2025. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ.

Cuối tháng 9/2021, Bộ Nội vụ đã ban hành chương trình hành động của ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021- 2025). [13]

Toàn bộ nội dung của chương trình hành động cho thấy không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam vẫn sẽ ngột ngạt như nhiều năm qua.

Nhà nước vẫn xem tự do tôn giáo là nguy cơ gây bất ổn xã hội nên vẫn duy trì sự can thiệp một cách sâu rộng trong lĩnh vực này.

Theo chương trình này, Bộ Nội vụ vẫn cho rằng nhà nước có quyền đánh giá tính tốt, xấu của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cho phép những tôn giáo chấp hành chính sách, pháp luật, ủng độ đảng và nhà nước được phép hoạt động. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải mang lại sự ổn định xã hội, góp phần xây dựng đại đoàn kết dân tộc.

Các tôn giáo mới trong giai đoạn năm 2021 - 2025 sẽ khó hoạt động nếu giáo lý và thực hành tôn giáo của họ không phù hợp với chuẩn mực của nhà nước, nhất là những hoạt động bị xếp vào nhóm chống đối.

Nhà nước vẫn tiếp tục xem chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người có uy tín trong các tổ chức tôn giáo là cánh tay của mình nhằm kiểm soát để tín đồ phải chấp hành pháp luật, chính sách của nhà nước.

Đặc biệt, trong chương trình này, nhà nước công khai thừa nhận sự can thiệp của mình đối với việc tuyển chọn nhân sự trong các tổ chức tôn giáo. Theo đó, chính quyền có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức tôn giáo chọn lựa nhân sự có tinh thần hợp tác với nhà nước, chấp hành pháp luật để lãnh đạo tổ chức.

Các hoạt động kiểm soát tôn giáo khắc nghiệt thường được cho là vì mục đích ổn định xã hội. Tuy nhiên, những hoạt động can thiệp này trong nhiều năm qua đã gây ra sự bất ổn, chia rẽ trong cộng đồng tôn giáo Việt Nam. Các hoạt động tôn giáo độc lập ngày càng bị suy yếu cả về số lượng và chất lượng. Các chức sắc, chức việc trở thành cánh tay tuyên truyền chính trị cho chính quyền.

[Tôn giáo 360 độ]

Ít nhất 159 tình nguyện viên Công giáo và 11 tình nguyện viên Phật giáo tham gia hỗ trợ chống dịch trong tháng 9 tại TP. Hồ Chí Minh

Trong tháng 9/2021, các tình nguyện viên tôn giáo tiếp tục hỗ trợ lực lượng y tế của TP. Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19 với 5 đợt tham gia tình nguyện.

Các tình nguyện viên tôn giáo tham gia trong nhiều đợt khác nhau. Từ tháng 7/2021 đến hết tháng 9/2021, các tổ chức tôn giáo đã có 8 đợt tham gia hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19.

Trong tháng 9/2021, đã có 170 tình nguyện viên tôn giáo, bao gồm 159 tình nguyện viên Công giáo và 11 tình nguyện viên Phật giáo với bốn đợt tình nguyện.

Trong đợt tình nguyện thứ năm, 109 tình nguyện viên Công giáo tham gia hỗ trợ hai Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Quận 7 số 1 và Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu điều trị COVID-19 tại TP Thủ Đức. [14]

Có 4 Phật tử, 19 tu sĩ, nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ trong đợt sáu tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương và Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng quận Tân Bình. [15]

Trong đợt bảy, 19 tình nguyện viên tôn giáo, trong đó có 7 tình nguyện viên Phật giáo và 12 tình nguyện viên Công giáo đã tham gia hỗ trợ Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương và Bệnh viện Nhân dân Gia Định. [16]

Trong đợt tình nguyện thứ tám, 19 tình nguyện viên Công giáo tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 16, phường Phú Thuận, quận 7. [17]

Một buổi lễ do Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh tổ chức cho các tình nguyện viên tôn giáo tham gia hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 vào đợt thứ bảy. Ảnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Vương Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 16, cho biết các tu sĩ đã giúp chăm sóc, động viên và trấn an tinh thần cho các bệnh nhân trong lúc họ hoảng loạn, cũng như tích cực hỗ trợ các bác sĩ. [18]

Những hoạt động chăm sóc bệnh nhân COVID-19 của các tình nguyện viên tôn giáo cho thấy các tổ chức tôn giáo luôn có nhu cầu tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội. Hoạt động tình nguyện này cũng cho thấy nhà nước cần sự tham gia của khu vực phi lợi nhuận, như các tổ chức tôn giáo, trong việc cung ứng đa dạng các dịch vụ an sinh xã hội cho người dân.

Tuy nhiên, hoạt động an sinh xã hội của các tổ chức tôn giáo đã bị chính quyền Việt Nam hạn chế trong gần 50 năm qua. Các tổ chức tôn giáo không được mở và điều hành các bệnh viện như trước năm 1975. Các hoạt động từ thiện, cứu trợ của cộng đồng tôn giáo không được tạo điều kiện thuận lợi do các quy định kiểm soát khắc nghiệt.

Đọc thêm: Loạt ảnh tư liệu về 100 năm tôn giáo cứu tế xã hội


Chú thích

1. Báo Cần Thơ. (2021, September 25). Bắt quả tang đối tượng tuyên truyền, phát tán tài liệu liên quan Pháp Luân Công. https://web.archive.org/web/20211018092304/https://baocantho.com.vn/bat-qua-tang-doi-tuong-tuyen-truyen-phat-tan-tai-lieu-lien-quan-phap-luan-cong-a138481.html

2. Công an Nhân dân. (2021, September 15). Chiêu trò “làm tiền” của nhóm truyền đạo trái phép. https://web.archive.org/save/https://cand.com.vn/ho-so-interpol/chieu-tro-lam-tien-cua-nhom-truyen-dao-trai-phep-i628195/

3. Tuổi Trẻ. (2021, September 23). Tà đạo biến tướng hoạt động rầm rộ trên mạng. https://web.archive.org/web/20211006143950/https://tuoitre.vn/ta-dao-bien-tuong-hoat-dong-ram-ro-tren-mang-20210923162321121.htm

4. Hoa Đất Việt. (2021, September 27). Hà Nội xuất hiện “tà giáo” lạ, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong gia đình. https://web.archive.org/web/20211018101258/https://hoadatviet.phunuvietnam.vn/ha-noi-xuat-hien-ta-giao-la-gay-chia-re-mat-doan-ket-trong-gia-dinh-20210927155043824.htm

5. Tuổi Trẻ. (2021a, July 10). Đề xuất muốn livestream phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và truyền thông. https://web.archive.org/web/20210712052118/https://tuoitre.vn/de-xuat-muon-livestream-phai-thong-bao-thong-tin-lien-he-voi-bo-thong-tin-va-truyen-thong-20210710211627608.htm

6. Báo Bình Phước. (2021, September 7). Cảnh giác với tà đạo. https://web.archive.org/web/20210909124030/https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/126721/canh-giac-voi-ta-dao

7. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, June 17). Hội thảo về thực trạng đạo lạ, tà đạo ở Việt Nam hiện nay. https://web.archive.org/web/20210816232120/http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-thao-ve-thuc-trang-dao-la-ta-dao-o-viet-nam-hien-nay-postn4A71Zqj.html

8. Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang. (2021, September 29). Hùng Lợi đấu tranh có hiệu quả với tổ chức tà giáo “Ân điển cứu rỗi” trong vùng đồng bào Mông. https://web.archive.org/web/20211018104420/https://tuyenquang.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=21874&l=Tintuc

9. Xem [4]

10. Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang. (2021a, September 28). Cảnh giác trước hoạt động của tổ chức “Ân điển cứu rỗi.” https://web.archive.org/web/20211018105103/https://tuyenquang.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=21850&l=Tintuc

11. The Diplomat. (2018, September 14). The Cults of South Korea. Retrieved 2021, from https://thediplomat.com/2014/06/the-cults-of-south-korea/

12. Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc). (2020, May). Thông Báo: Cách Chức Trưởng Nhiệm Và Cảnh Báo Về Tà Giáo. https://web.archive.org/web/20201129131316/http://tinlanhmienbac.org/ky-luat-cac-chuc-truong-nhiem-diem-nhom-va-canh-bao-ve-ta-giao/

13. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021b, September 24). chương trình hành động của ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. https://drive.google.com/file/d/1X3-sNJekxJhWP4yWasGANDNpPnrOSIG6/view?usp=sharing

14. Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. (2021, September 8). TPHCM: 109 tình nguyện viên các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19. https://web.archive.org/web/20211018111758/https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-109-tinh-nguyen-vien-cac-ton-giao-tham-gia-ho-tro-tuyen-dau-chong-dich-covid-19-1491883941

15. TTXVN. (2021, September 18). Dịch COVID-19: Tình nguyện viên tôn giáo lên đường hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/dich-covid-19-tinh-nguyen-vien-ton-giao-len-duong-ho-tro-tuyen-dau-chong-dich/157d81b2-213d-47bd-af02-13423c14d234

16. Thành phố Hồ Chí Minh: 19 tình nguyện viên các tôn giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu điều trị Covid-19. (2021, September 23). Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Retrieved 2021, from https://web.archive.org/web/20211018112644/http://mattran.org.vn/dan-toc-ton-giao/thanh-pho-ho-chi-minh-19-tinh-nguyen-vien-cac-ton-giao-tham-gia-ho-tro-luc-luong-tuyen-dau-dieu-tri-covid19-40113.html

17. VietnamPlus. (2021, September 29). Tình nguyện viên tôn giáo lại xuất quân lên đường phục vụ tuyến đầu. https://web.archive.org/web/20211016163635/https://www.vietnamplus.vn/tinh-nguyen-vien-ton-giao-lai-xuat-quan-len-duong-phuc-vu-tuyen-dau/743796.vnp

18. Xem [17]

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.