Tổ chức dân sự - lời giải cho bài toán cứu trợ trong thiên tai
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách
Không thể tiếp tục quản lý tôn giáo theo cơ chế xin – cho.
Sau chuyến làm việc tại Việt Nam vào tháng 7/2014, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo, Tín ngưỡng Heiner Bielefeldt đã nhấn mạnh rằng không nên đặt ra quy định pháp lý bắt buộc các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với chính quyền. [1]
Hai năm sau, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được ban hành, và nó còn vượt xa lo ngại của vị báo cáo viên.
Tháng 11/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu được xem và duyệt danh sách ứng cử viên của Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam. Tổng liên hội đã phải hoãn tổ chức đại hội. [2]
Tháng 3/2021, một đoạn video ghi lại cảnh công an xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên ngăn cản một nhóm người Thượng đang cầu nguyện tại nhà. [3]
Tháng 6/2021, Bộ Tài chính công bố dự thảo thông tư quản lý tiền công đức khiến Giáo hội Phật giáo Việt Nam như ngồi trên đống lửa. [4]
Gần đây, Bộ Nội vụ thông báo sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. [5]
Ba năm qua, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định 162 đã trở thành chiếc vòng kim cô chụp lên đầu các tổ chức tôn giáo. Nhiều người vẫn nghĩ rằng những quy định này chỉ ảnh hưởng đến tổ chức tôn giáo, kỳ thực chúng tác động đến toàn bộ xã hội.
Trong thời gian COVID-19 bùng phát mạnh, bạn có thể đã phải xin giấy đi đường của chính quyền để được phép đi lại. Việc di chuyển khi đó được coi là nguy hiểm, vì có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bạn xin là một việc, nhưng chính quyền có cấp phép hay không là một việc khác. Ba năm qua, hoạt động tôn giáo đã trải qua tình trạng tương tự như thế.
Hầu hết các hoạt động tôn giáo từ đào tạo chức sắc, bầu cử, thay đổi nhân sự cho đến việc gây quỹ từ thiện, xây dựng cơ sở tôn giáo, hay việc tổ chức tôn giáo muốn chia, tách, sáp nhập đều phải có sự đồng ý của chính quyền.
Tháng 7/2021, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Ánh Chức khẳng định sau ba năm thi hành, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã đảm bảo quyền tự do, tôn giáo cho các tổ chức, cá nhân. [6] Sự thật có đúng như vậy?
Ba năm qua, không có gì đảm bảo tất cả các đơn đăng ký hoạt động tôn giáo đều được chính quyền chấp thuận. Đây là điều mà vị báo cáo viên của Liên Hợp Quốc đã lường trước.
Bạn có thể liên hệ chuyện đăng ký hoạt động tôn giáo với đăng ký xe máy. Khi bạn mua một chiếc xe máy, bạn cần đăng ký xe để được lưu thông hợp pháp. Đối với hoạt động tôn giáo, chính quyền cũng quản lý theo phương thức đó, nhưng còn đi xa hơn nữa. Họ cho mình toàn quyền quyết định có chấp nhận đơn đăng ký của bạn hay không. Nếu muốn hoạt động hợp pháp, bạn chỉ còn cách làm theo các yêu cầu của họ. Trong khi báo cáo viên khuyến cáo chính quyền không nên quản lý tôn giáo kiểu kiểm soát, chính quyền đẩy sự kiểm soát lên đến mức thao túng.
Đài Loan là một trong những nước có tôn giáo đa dạng nhất thế giới. Vào năm 2013, nước này có 27 tôn giáo chính thức, hơn 12 nghìn đền chùa, và hơn ba nghìn nhà thờ. Tuy nhiên, Đài Loan không có bộ luật riêng về tôn giáo. [7]
Các nỗ lực lập pháp về tôn giáo của Đài Loan đều vấp phải những thực tế khó xử, hoặc bị các tổ chức tôn giáo phản đối vì định nghĩa hạn hẹp về tôn giáo khiến phạm vi hoạt động bị hạn chế, [8] hoặc bị cho là tạo ra đặc quyền cho các tổ chức tôn giáo. [9]
Tượng tự Đài Loan, Hàn Quốc cũng để tôn giáo tự do phát triển, tách biệt rõ ràng giữa nhà nước và tôn giáo. [10] Nhờ có môi trường tự do, các tôn giáo ở hai nước này phát triển rất mạnh mẽ. Người dân được hưởng phúc lợi lớn từ các dịch vụ nhân đạo, y tế, giáo dục của các tổ chức tôn giáo.
Ngược lại hai ví dụ trên, Việt Nam kiểm soát chặt chẽ các tổ chức tôn giáo. Việc này chắc chắn đã hạn chế rất nhiều động lực đóng góp cho xã hội. Nó cũng giống như việc bạn ngại ra đường khi chính quyền bắt kê khai nhiều thủ tục, thậm chí còn có thể bị phạt.
Bên cạnh đó, chi phí kiểm soát tôn giáo cũng là một vấn đề. Ban Tôn giáo Chính phủ mỗi năm tiêu đến hơn 60 tỷ đồng, chưa kể chi phí dành cho ban tôn giáo ở 63 tỉnh, thành, công an tôn giáo, các tổ chức chính trị xã hội được giao trách nhiệm kiểm soát tôn giáo như Hội Liên hiệp Phụ nữ. [11]
Mặt khác, khi chính quyền có quyền can thiệp vào các hoạt động tôn giáo thì không thể nào có việc đối xử bình đẳng giữa các tôn giáo. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam sở hữu hàng loạt các ngôi chùa đồ sộ trên đất do chính quyền cấp phát là một ví dụ.
Năm 2015, Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh nói với UCA News rằng tôn giáo ở Việt Nam không cần thiết có một bộ luật riêng. Các bộ luật dân sự, hành chính, hình sự đã có thể giải quyết các vấn đề về tôn giáo. [12]
Linh mục Thanh cũng nói thêm rằng: “Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần phải nhớ là thực hành tôn giáo là quyền chứ không phải là tội”.
Trong khi đó, diễn ngôn phổ biến của chính quyền cho rằng kiểm soát các hoạt động tôn giáo là cần thiết, không chỉ để đảm bảo sự ổn định mà còn nhằm phát triển xã hội. [13]
Hơn 45 năm qua, các tôn giáo tại Việt Nam đã đóng góp cho xã hội như thế nào? Các tổ chức tôn giáo trong nước hầu như không có hoạt động cứu trợ chuyên nghiệp, cũng không có cơ sở an sinh xã hội chuyên nghiệp vì nhà nước chưa cho phép.
Trên thực tế, sự kiểm soát của chính quyền không chỉ hạn chế khả năng đóng góp cho xã hội của các tổ chức tôn giáo, mà còn có thể là nguyên nhân khiến cho số lượng tín đồ của các tôn giáo ngày càng suy giảm.
Theo số liệu của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở, năm 2019, Việt Nam chỉ có 13,1 triệu người có tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số, trung bình 10 người thì mới có hơn 1 người có tôn giáo. Số tín đồ Phật giáo là khoảng 4,6 triệu, chiếm 4,78% dân số. Số người theo Công giáo là 5,86 triệu, chiếm 6,14% tổng dân số. Số người theo Tin Lành là 960 nghìn người, chiếm 0,99%. [14]
Năm 2017, Pew Research Center xếp Việt Nam vào nhóm 5% các nước kiểm soát các tôn giáo khắc nghiệt nhất, cùng với Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba và một số nước tách ra từ Liên Xô. [15]
Bạn có thể tin rằng tôn giáo sẽ khiến xã hội rối loạn nếu không được quản lý chặt chẽ. Nhưng hãy nhìn vào ví dụ Hàn Quốc và Đài Loan đã nêu ở trên - các quốc gia này vừa đảm bảo quyền tự do tôn giáo vừa mang lại phúc lợi cho người dân từ hoạt động tôn giáo. Vì sao đó không thể là lựa chọn của Việt Nam?
Chú thích
1. OHCHR. (2014, July 31). Press Statement on the visit to the Socialist Republic of Viet Nam by the Special Rapporteur on freedom of religion or belief. https://www.ohchr.org/EN/NewsEvents/Pages/DisplayNews.aspx?NewsID=14914&LangID=E
2. Luật Khoa. (2020, December 21). Tôn giáo tháng 11/2020: Tổng giáo phận Sài Gòn kiện chính quyền TP. Hồ Chí Minh. https://www.luatkhoa.org/2020/12/ton-giao-thang-11-2020-tong-giao-phan-sai-gon-kien-chinh-quyen-tp-ho-chi-minh/
3. Luật Khoa. (2021i, April 15). Tôn giáo tháng 3/2021: Lại có thêm người Thượng bị kiểm điểm vì sinh hoạt tôn giáo ở Phú Yên. https://www.luatkhoa.org/2021/04/ton-giao-thang-3-2021-lai-co-them-nguoi-thuong-bi-kiem-diem-vi-sinh-hoat-ton-giao-o-phu-yen/
4. Văn Tâm. (2021, July 17). “Tiền công đức”: Vì sao nhà nước giằng co với nhà chùa. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/07/tien-cong-duc-vi-sao-nha-nuoc-giang-co-voi-nha-chua/
5. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021a, November 26). Ban Tôn giáo Chính phủ họp xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 162/2017/NĐ-CP. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/ban-ton-giao-chinh-phu-hop-xay-dung-nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-nghi-dinh-1622017nd-cp-postEm1WxvpP.html
6. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021a, July 6). Hội thảo bàn về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-thao-ban-ve-mot-so-noi-dung-lien-quan-den-viec-thuc-hien-luat-tin-nguong-ton-giao-va-nghi-dinh-so-1622017nd-cp-postL4QXykm0.html
7. Taiwan Business TOPICS Magazine. (2015, October 21). Religion in Taiwan: When Faith and Money Collide. The News Lens International Edition. Retrieved 2022, from https://international.thenewslens.com/article/26900
8. André Laliberté. (2009). The Regulation of Religious Affairs in Taiwan: From State Control to Laisser-faire? Journal of Current Chinese Affairs, 38(2), 53–83. https://journals.sagepub.com/toc/ccaa/38/2
9. Ketagalan Media. (2019, December 28). Taiwan Can’t Control Its Temples and China Knows It. https://ketagalanmedia.com/2019/12/28/taiwan-cant-control-its-temples-and-china-knows-it/
10. Deseret News. (2018, February 8). Why North and South Korea approach religious freedom so differently. https://www.deseret.com/2018/2/8/20639686/why-north-and-south-korea-approach-religious-freedom-so-differently#two-children-play-after-having-their-heads-shaved-during-a-service-to-have-an-experience-of-the-lives-of-buddhist-monks-for-two-weeks-at-the-jogye-temple-in-seoul-south-korea-wednesday-april-19-2017-they-are-two-of-the-eight-children-who-entered-the-temple-to-have-an-experience-for-two-weeks-ahead-of-celebrations-for-buddhas-upcoming-birthday-on-may-3
11. Luật Khoa. (2021u, December 25). 5 vấn đề tôn giáo năm 2021 mà chính quyền không muốn bạn biết. https://www.luatkhoa.org/2021/12/5-van-de-ton-giao-nam-2021-ma-chinh-quyen-khong-muon-ban-biet/
12. UCA news. (2015, December 11). Little change seen in Vietnam’s new draft law on religion. https://www.ucanews.com/news/little-change-seen-in-vietnams-new-draft-law-on-religion/74771#
13. Tạp chí Cộng sản. (2020, May 7). Kiên quyết đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay. https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/e-ton-giao-va-cong-tac-ton-giao-nham-chia-re-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-gay-mat-on-dinh-chinh-tri-xa-hoi-o-nuoc-ta-hien-nay
14. Tổng cục Thống kê. (2019, March 17). Báo cáo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019. http://tongdieutradanso.vn/ket-qua-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-thoi-diem-0-gio-ngay-01-thang-4-nam-2019.html
15. Pew Research Center. (2017, October 3). Many Countries Favor Specific Religions, Officially or Unofficially. https://www.pewforum.org/2017/10/03/many-countries-favor-specific-religions-officially-or-unofficially/