Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Những đứa trẻ to xác luôn sợ hãi trước sự khác biệt.
Hầu hết chúng ta, ít hay nhiều, đều cảm thấy khó chịu và bực bội khi gặp một ý kiến trái ngược với những suy nghĩ của mình.
Nếu ý kiến đó đi ngược lại với những niềm tin sâu sắc của bản thân, chúng ta còn có thể cảm thấy bị đe dọa.
Để phản ứng lại, không ít người đòi trừng trị, muốn bịt miệng, thậm chí là ủng hộ bỏ tù những ai dám biểu lộ các ý kiến khác biệt.
Những người đó là ai, và vì sao họ lại như vậy?
Bạn có thể dễ dàng nhìn ra đặc trưng của những người có xu hướng kiểm soát hay trừng trị kẻ khác mình: đó là những người có tính cách độc đoán (authoritarian personality. [1] Luật Khoa từng có bài viết giới thiệu về khái niệm này. [2]
Nhiều nhà nghiên cứu liên hệ tính cách độc đoán với những trải nghiệm thời thơ ấu. [3]
Theo đó, một đứa trẻ lớn lên trong môi trường mà cha, mẹ hay người lớn trong gia đình chỉ biết dùng quyền uy, đặc biệt là vũ lực, để “dạy bảo”, khi trưởng thành sẽ có khả năng áp dụng điều tương tự với người khác.
Điều đáng lưu ý là “người khác” ở đây lại không phải là những người có quyền lực.
Những người có tính cách độc đoán rất hăng hái trong việc trừng trị những nhóm thiểu số, yếu thế, những người không có khả năng phản ứng lại họ. Nhưng khi đụng đến những người nắm quyền, đặc biệt là các lãnh đạo độc tài, những người độc đoán này lại tự động lựa chọn tuân phục.
Thoạt nhìn, đây là một nghịch lý. Tính cách độc đoán, hay độc tài (tiếng Anh đều dùng chung từ “authoritarian”), vốn chỉ xu hướng muốn thống trị, kiểm soát người khác, tức ham muốn quyền lực. Vì sao những người ham muốn quyền lực lại dễ dàng và ngoan ngoãn nghe lời những kẻ có quyền uy?
Điều này có thể được giải thích qua trải nghiệm thời thơ ấu. Những đứa trẻ lớn lên trong vòng tay độc đoán của người lớn luôn có những ẩn ức và nỗi sợ dồn nén không được giải tỏa. Chúng không thể tìm đến những người lớn thân cận nhất của mình nhờ giúp đỡ – họ không có khả năng lắng nghe và chỉ biết yêu cầu sự vâng phục tuyệt đối từ đứa trẻ. Đứa trẻ không có cách nào phản kháng lại sức mạnh của người lớn.
Dần dần, chúng hình thành nên một “thế giới quan rừng xanh”: mạnh được yếu thua, những ai nắm quyền luôn luôn đúng, những kẻ phản kháng luôn luôn sai, và nếu muốn tồn tại thì phải luôn đứng về phe có quyền lực.
Tuổi thơ của những người này cũng có thể lý giải vì sao họ đặc biệt nhạy cảm với những ý kiến khác biệt. [4]
Thay cho sự yêu thương và tôn trọng, những đứa trẻ lớn lên trong đòn roi, mắng chửi và hạ nhục luôn giữ những nỗi sợ hãi trong mình. Mọi thứ chúng làm đều có thể bị trừng phạt, và trong rất nhiều trường hợp là bị trút giận một cách vô lý. Những nỗi sợ này theo năm tháng được phủ lớp màn thời gian nhưng chưa bao giờ biến mất.
Những người này mỗi khi gặp phải ý kiến khác biệt đều có cảm giác ám ảnh của lúc nhỏ – mình sai và có thể sẽ bị trừng phạt. Vì thế, phản ứng mặc nhiên của họ là ngay lập tức tấn công những người khác mình. Đó là một loại bản năng tự vệ trong vô thức.
Có thể khẳng định những ai luôn muốn bịt miệng các ý kiến khác biệt đều không làm các công việc sáng tạo.
Sáng tạo, ngay trong ý niệm của nó, đã bao hàm sự khác biệt, thậm chí là đối nghịch với những cái cũ.
Không ít người nghĩ sáng tạo là độc quyền của những người làm nghệ thuật. Trên thực tế, sáng tạo là thứ dẫn đến mọi sự khác biệt mà nhân loại đang thừa hưởng ngày nay.
Công trình ta đang ở, dòng điện đang chạy quanh các thiết bị trong nhà, mạng Internet ta đang kết nối, trang phục ta đang mặc trên người, các phương thức phòng chống, chữa trị bệnh tật, hay chính thứ ngôn ngữ ta đang sử dụng, mọi thứ đều là kết quả của quá trình sáng tạo không ngừng.
Nếu tất cả nhân loại đều có tính cách độc đoán, tuân phục, sợ hãi trước những cái khác biệt, đến thời điểm này, giống loài homo sapiens vẫn đang cạnh tranh giành giật thức ăn với các loài khỉ khác (và chắc chắn chúng ta sẽ không thể tự gọi mình là sapiens).
Rất nhiều thay đổi chính trị – xã hội mà ta đang có – từ việc người dân được quyền bầu ra và phế truất lãnh đạo, hay phụ nữ có quyền bầu cử như nam giới, cho tới quyền kết hôn của những người đồng tính – tất cả đều đã từng, và ở nhiều nơi vẫn đang, là những ý tưởng cấm kỵ hay báng bổ.
Sự đối nghịch giữa tính cách độc đoán và năng lực sáng tạo không chỉ thể hiện trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Sự khác biệt còn thể hiện rõ ràng trong lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là khởi nghiệp (startups).
Không phải ngẫu nhiên mà các startups nổi bật nhất thế giới đều xuất hiện và phát triển tại những nơi mà tinh thần tự do và sự khác biệt được tôn trọng hết mực.
Bản chất của startups, hay mục tiêu lớn nhất của những người khởi nghiệp, là “disruption” – sáng tạo ra những cách làm mới tốt hơn, phá vỡ các phương thức hiện tại, tiến tới thay thế hoàn toàn, hay lật đổ cách làm truyền thống.
Những cái tên như Amazon, Google, Facebook, Netflix, Airbnb, v.v. là những minh chứng cho sự sáng tạo – phá vỡ – thay thế đó.
Các startups không thể làm được điều đó nếu chịu sự khống chế của những cái đầu độc đoán, cả bên trong lẫn bên ngoài tổ chức.
Những sản phẩm đầu tiên của Google hay Facebook chứa đầy hạn chế và sai sót mà nếu không có quá trình cởi mở tiếp nhận phản hồi, sửa chữa sai sót và nâng cấp, hoặc trong nhiều trường hợp là đập đi làm lại, họ sẽ không thể nào biến thành những doanh nghiệp như ngày nay.
Có thể thấy điều này được minh họa qua một trong những kỹ thuật sáng tạo được vận dụng thường xuyên trong các startups (và trong rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác): kỹ thuật “brainstorming”, có thể tạm gọi là “kỹ thuật nổ não”. [5]
Tại những buổi nổ não đó, các thành viên tham gia được khuyến khích đưa ra mọi ý kiến, kể cả những ý tưởng có vẻ điên rồ, ngu ngốc, ngược ngạo nhất. Những người đề ra và vận dụng kỹ thuật này hiểu rằng trong rất nhiều trường hợp, chính sự tương tác giữa các ý tưởng với nhau – bao gồm cả những thứ kỳ quặc và ngớ ngẩn – mới tạo ra những giải pháp thật sự sáng tạo.
Một môi trường tổ chức không khuyến khích được sự tồn tại và tương tác giữa những ý tưởng khác biệt, hay nhiều lúc trái ngược, sẽ không thể nào có được sự sáng tạo đúng nghĩa.
Mặt khác, nếu môi trường chính trị, xã hội luôn ưu tiên bảo vệ những cái đang có, đè nén và thậm chí trừng phạt những ai dám làm khác, những doanh nghiệp như vậy cũng không bao giờ tồn tại nổi.
Những năm gần đây, người ta nói nhiều về những startups tỷ đô của Trung Quốc hay tham vọng tạo ra “thung lũng Silicon của Việt Nam”. [6][7] Nhìn vào thực tế, những doanh nghiệp kỳ lân lớn nhất của Trung Quốc chưa thật sự sáng tạo ra một thứ khác biệt với thế giới, ngoại trừ việc giỏi bắt chước (dù trong nhiều trường hợp họ làm tốt hơn). Sự lớn mạnh của các kỳ lân này phần lớn nhờ vào một thị trường khổng lồ tỷ dân được chính quyền bảo hộ – bằng cách cấm cản những doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế vượt trội so với các kỳ lân con. Viễn cảnh tương tự là điều dễ thấy ở Việt Nam, nơi có môi trường chính trị lẫn xã hội không khuyến khích sự sáng tạo đúng nghĩa.
***
Mang trong thân hình to xác một tâm hồn luôn sợ hãi của đứa trẻ và hoàn toàn xa lạ với tính cách sáng tạo của con người.
Đó là chân dung của những người luôn hăng hái bịt miệng, hay hô hào đòi bỏ tù những ai trái ý mình.
Điều đáng buồn, đồng thời cũng là điểm để lạc quan, là ngay cả với những người có tính cách độc đoán nhất, họ cũng từng có thời điểm hết sức cởi mở, luôn thích khám phá, không những không sợ hãi sự khác biệt mà còn chủ động sáng tạo ra những thứ mới.
Đó là khi họ còn là những đứa trẻ.
Chỉ là tại một thời điểm nào đó, họ đã đánh mất phần tốt đẹp nhất của đứa trẻ.
Một số người sẽ tìm lại được phần thiên tính đã mất đó. Một số khác lại lựa chọn con đường cướp đi phần đó của những người khác.
—
Đọc thêm:
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Chú thích:
1. Yên, V. (2018, May 6). Nhân cách độc tài nuôi dưỡng chế độ độc tài như thế nào. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2018/05/nhan-cach-doc-tai-nuoi-duong-che-do-doc-tai-nhu-the-nao
2. Vincete Nguyen. (2021, November 16). Luôn muốn trừng trị kẻ khác mình? Bạn có thể có tính cách độc đoán. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/11/luon-muon-trung-tri-ke-khac-minh-ban-co-the-co-tinh-cach-doc-doan
3. A. (2016, January 24). Authoritarian Personality – IResearchNet. Psychology. http://psychology.iresearchnet.com/social-psychology/personality/authoritarian-personality
4. Leon F. Seltzer. (January, 2009). Why Criticism Is So Hard to Take (Part 1). https://www.psychologytoday.com/us/blog/evolution-the-self/200901/why-criticism-is-so-hard-take-part-1
5. Northern Illinois University Center for Innovative Teaching and Learning. (2012). Brainstorming. In Instructional guide for university faculty and teaching assistants. Retrieved from https://www.niu.edu/citl/resources/guides/instructional-guide
6. Contributor, A. T. (2020, February 18). China’s No. 1 for billion-dollar startups: list. Asia Times. https://asiatimes.com/2019/10/china-has-largest-number-of-us-bn-startups-list
7. Trần Đ. (2019, April 12). Việt Nam sắp có “thung lũng Silicon.” Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới. https://vneconomy.vn/viet-nam-sap-co-thung-lung-silicon.htm