Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Đỉnh điểm của sự hào hiệp là khi, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, thay vì có thể bác đơn yêu cầu, đã chấp nhận phân xử một vụ án mà công dân nước ngoài yêu cầu được bảo vệ bởi Hiến Pháp dành riêng cho công dân Hoa Kỳ, và, quan trọng hơn, cá nhân ấy lại là điệp viên Liên Xô, giữa thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, đang xâm phạm trực tiếp đến an ninh quốc gia.
Kỳ trước: Người Đàm Phán (Bridge of Spies) – Khi luật sư bảo vệ cho kẻ thù quốc gia
Gốc gác vụ việc
Rudolf Ivanovich Abel có tên thật là Vilyam Genrikhovich Fisher. Sinh tại Anh, trở về Nga tham gia quân đội Xô Viết, và làm việc cho tình báo Nga từ năm 1927. Được KGB gửi sang Mỹ từ năm 1948.
Abel đóng vai trò tổ chức một mạng lưới thông tin tình báo chuyên đánh cắp thông tin về nghiên cứu hạt nhân của Mỹ và đưa về Liên Xô. Tầm quan trọng của Abel trong vai trò này được đánh dấu bằng việc ông ta được bí mật tặng thưởng Huân chương cờ đỏ của Liên Xô đầu những năm 1950.
Đầu năm 1957, Reino Häyhänen, một đặc vụ KGB từng làm trợ tá cho Abel tại Mỹ trở mặt. Häyhänen vào Sứ Quán Mỹ tại Pháp xin tỵ nạn chính trị và bắt đầu cung cấp thông tin chỉ điểm cho các cơ quan an ninh tình báo Mỹ.
Bắt giữ
Ngày 21 tháng 07 năm 1957 tại một khách sạn ở New York, Rudolf Ivanovich Abel bị bắt giữ bởi các nhân viên FBI (Cục điều tra liên bang Mỹ) và INS (Cục Di Dân Mỹ).
Cơ sở bắt giữ là nghi vấn Abel là người nhập cư trái phép tại Mỹ, phải được tạm giữ chờ làm thủ tục trục xuất.
FBI đã cung cấp thông tin cho INS về tình trạng di trú của Abel cũng như nghi vấn Abel là gián điệp, nhưng bản thân FBI chưa có đủ bằng chứng để xin trát lệnh bắt giữ chính thức và thực hiện bắt giữ chiếu theo luật an ninh quốc gia vì tuy đã chỉ điểm Abel nhưng Häyhänen từ chối không đưa ra tuyên thệ làm bằng chứng (theo đó có thể xin được trát lệnh) mà chỉ muốn chỉ điểm trong bí mật. Mãi sau khi Abel bị bắt thì Häyhänen mới chấp nhận ra tòa làm chứng chống lại Abel.
Đối mặt với thử thách pháp lý đầu tiên về việc bắt giữ chính đáng, các đặc vụ FBI đã thống nhất phương án: ập vào giữ Abel trước, dụ Abel hợp tác với an ninh tình báo Hoa Kỳ. Nếu Abel đồng ý thì FBI dẫn Abel về xử lý, nếu không thì không thể bắt hợp pháp được nên kêu nhân viên INS đợi sẵn bên ngoài vào bắt chiếu theo luật di trú.
Sau khi các nhân viên FBI ra hiệu, các nhân viên INS vào trình trát lệnh rồi tiến hành khám xét phòng Abel, bắt giữ và tịch thu một số giấy tờ và đồ vật cá nhân của Abel.
Sau khi Abel được INS đưa đi, FBI vào phòng Abel khám xét lại lần nữa. Họ tìm thấy hai bằng chứng quan trọng: một cây bút chì rỗng ruột có chứa 18 cuộn vi phim, và một miếng gỗ có chứa một cuốn sổ nhỏ với nhiều hàng chữ số trên từng trang, được cho là “sổ giải mã”. Những bằng chứng này có thể được xem là “những khẩu súng còn bốc khói” có thể được dùng để chống lại Abel.
Các tang vật cho thấy hành vi làm gián điệp của Abel bị INS và FBI tịch thu riêng biệt và sau đó tập trung lại trong hồ sơ tố tụng chống lại Abel.
Tu chính án thứ tư (Fourth Amendment) và các cáo buộc của Abel
Tu chính án này là một trong 10 tu chính án tạo nên Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ vốn là 10 điều khoản về nhân quyền được minh định trên Hiến pháp Mỹ nhằm hạn chế quyền lực nhà nước (đối tượng chính là chính phủ liên bang Mỹ) và bảo vệ quyền của công dân Hoa Kỳ.
Tu chính án này quy định:
“Quyền công dân được bảo vệ an toàn về tư cách cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và vật dụng, chống lại các khám xét và tịch thu vô căn cứ, sẽ không thể bị vi phạm, và sẽ không có trát lệnh nào được ban hành, trừ phi dựa trên lý do chính đáng được ủng hộ bằng lời tuyên thệ hoặc lời xác nhận long trọng xác định chi tiết nơi cần khám xét, và người hay vật cần bắt giữ và tịch thu.”[1]
Đây là Tu chính án mà đại diện pháp lý của Rudolf Abel là luật sư James B. Donovan sử dụng để khởi kiện chính phủ liên bang Hoa Kỳ.
Tu chính án thứ tư được áp dụng trong luật pháp Mỹ thông qua nguyên tắc loại trừ bằng chứng (exclusionary rule) được đưa ra qua án lệ Weeks v. United States năm 1914. Án lệ này xác định rằng các bằng chứng được thu thập theo phương cách vi phạm Tú chính án thứ tư thông thường sẽ không được chấp nhận làm bằng chứng trước tòa hình sự.
Các quan tòa Pháp Viện Tối Cao Hoa Kỳ giải thích trong quyết định Weeks kiện Hoa Kỳ:
“Tác dụng của Tu chính án thứ tư là áp đặt các giới hạn và chừng mực lên trên việc thực thi quyền hành của các tòa án và nhân viên chính phủ liên bang Hoa Kỳ, đồng thời mãi mãi bảo vệ công dân cùng tư cách cá nhân, nhà cửa, giấy tờ, vật dụng của họ, chống lại việc khám xét và thu giữ vô căn cứ đội lốt cơ quan thực thi pháp luật.
Việc bảo vệ này dành cho tất cả công dân, cho dù có bị cáo buộc phạm tội hay không, và trách nhiệm đảm bảo thực hiện nó là bắt buộc dành cho bất kỳ ai được ủy quyền hành pháp trong hệ thống liên bang của chúng ta.
Khuynh hướng truy cầu việc kết án bằng việc thu giữ trái luật và bức cung, việc thứ hai này thường là kết quả của việc áp dụng các biện pháp trái phép hủy hoại quyền được Hiến pháp bảo vệ của nghi phạm, không nên được sự cho phép thông qua quyết định của các tòa án, vốn được giao trọng trách luôn luôn bảo vệ Hiến pháp, và thường là nơi các công dân trong đủ loại hoàn cảnh có quyền thỉnh cầu sự gìn giữ các quyền cơ bản như đã nêu.”[2]
Có thể tóm tắt các cáo buộc mà bên Abel đưa ra như sau:
1. Chính phủ liên bang đã sai sót khi để cho FBI sử dụng một cách không thỏa đáng trát lệnh bắt người và tịch thu đồ vật của INS để thu thập các bằng chứng hình sự chống lại Abel.
Sẽ không có vấn đề gì nếu FBI đường hoàng bắt giữ Abel và thu giữ đồ đạc giấy tờ của ông ta với trát lệnh chính thức nêu chính xác nguyên do bắt giữ (nghi vấn gián điệp – một lý do xác đáng), nhưng thực tế là FBI đã “mượn đường Ngu diệt Quắc”, thông qua trát lệnh thuần mang tính hành chính dựa trên luật di trú của INS để bắt giữ Abel, thu giữ bằng chứng hình sự chống lại ông ta rồi truy tố ông ta.
Lý do xác đáng được đưa ra cho việc bắt giữ và thu giữ đồ đạc cá nhân là vì Abel là người nhập cư trái phép, tuy nhiên Abel lại bước ra khỏi tòa với tội làm gián điệp cho Liên Xô.
2. Các tang vật thu được bởi các nhân viên di trú của INS và nhân viên điều tra của FBI đáng ra không thể được chấp nhận làm bằng chứng trước tòa trong các án đã quyết tại các tòa dưới vì biện pháp thu thập bằng chứng hình sự chống lại Abel vi phạm Tu chính án thứ tư của Hiến pháp và xâm phạm nhân quyền của Abel.
Kỳ tới: Người Đàm Phán (Bridge of Spies): Phán quyết cuối cùng
Chú giải của người viết:
[1] America’s Fouding Documents
[2] Án lệ Abel vs. United States