7 sự thật thú vị về Thông Điệp Liên Bang Hoa Kỳ

7 sự thật thú vị về Thông Điệp Liên Bang Hoa Kỳ

Nguyễn Quốc Tấn Trung (Tổng hợp)

Vào cuối tháng Một hoặc đầu tháng Hai hằng năm, đương kiêm Tổng Thống Nhà Nước Liên Bang Hoa Kỳ có trách nhiệm gửi đến Thượng Viện và Hạ Viện Hoa Kỳ một bài diễn văn chính thức với tên gọi Thông Điệp Liên Bang – State of the Union. Đây là một sự kiện thú vị lẫn một trách nhiệm pháp lý truyền thống từ thời lập quốc của Hoa Kỳ cho đến nay.

450px-2011_State_of_the_Union

Khunh cảnh diễn ra bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang năm 2011 của Tổng Thống Barrack Obama. Ảnh: Wikipedia.

1. Vì sao phải có Thông Điệp Liên Bang?

Tổng thống là chế định chính trị quyền lực nhất của Hoa Kỳ, và ở một góc nhìn rộng hơn – quyền lực nhất thế giới, vậy nên có thể nói rằng bất kỳ bài diễn văn nào của họ đều đáng để được chú ý. Vậy điều gì làm cho Thông Điệp Liên Bang trở nên đặc biệt và đáng được chú ý.

Vì Thông Điệp Liên Bang là nghĩa vụ pháp lý của Tổng Thống Hoa Kỳ được quy định tại Khoản 3, Điều II của Hiến Pháp với nguyên văn yêu cầu Tổng Thống “theo từng thời điểm phải thông tin tới Nghị Viện Hoa Kỳ thực trạng của Liên Minh, và kiến nghị Nghị Viện xem xét các định hướng, phương án giải quyết mà Tổng Thống đương nhiệm đánh giá là cần thiết và thích hợp”.

Hiểu một cách đơn giản, đây là bản “báo cáo” ghi nhận về những thành tựu và khó khăn mà quốc gia đang gặp phải, kèm theo đó là những vấn đề cần phải đối mặt và giải quyết. Thông Điệp Liên Bang có thể là cách mà Hiến Pháp Hoa Kỳ tạo sự tương tác giữa hai nhánh quyền lực năng động nhất của hệ thống, vừa được xem là nghĩa vụ báo cáo của người đứng đầu nhánh quyền lực hành pháp trước hệ thống lập pháp; nhưng cũng vừa thể hiện tầm ảnh hưởng nhánh hành pháp đến phương án lập pháp của Nghị Viện (ND).

2. Vì sao Thông Điệp Liên bang diễn ra vào cuối tháng Một và đầu tháng Hai hằng năm?

Hiến Pháp Hoa Kỳ không ghi nhận cụ thể thời gian diễn ra Thông Điệp Liên Bang. Tuy nhiên, do Tu Chính Án thứ 20 ghi nhận thời điểm chính thức hoạt động của một nhiệm kỳ Nghị Viện và nhiệm kỳ Tổng Thống đều bắt đầu vào cuối tháng Một, thời điểm này trở thành thông lệ chung.

3. Thông Điệp Liên Bang nói về những điều gì?

Các bài thông điệp thường có thể kéo dài lên đến hơn một giờ đồng hồ, một điều lạ so với văn hóa chung của Tây phương. Song lý do là bởi vì có rất nhiều nội dung được bao hàm trong thông điệp, bao gồm:

  • Tình trạng của nền kinh tế Hoa Kỳ, số công việc được tạo ra và số người bị mất việc làm, tình trạng lạm phát, nợ quốc gia cũng như các thâm hụt ngân sách nếu có;
  • Các chương trình xã hội hỗ trợ công dân Hoa Kỳ, cũng như công dân, các quốc gia khác trên thế giới và các vấn đề toàn cầu;
  • Giáo dục và hệ thống chăm sóc y tế;
  • Sự tiến bộ, thất bại và các thành quả hoạt động quân sự của quân đội Hoa Kỳ trên toàn thế giới.

Thông điệp gần như chắc chắn sẽ được lồng vào các ý tưởng lập pháp mới nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng và lời đề nghị của Tổng Thống tới Nghị Viện xem xét những dự án luật này.

4. Thông Điệp Liên Bang có bắt buộc phải là một bài diễn văn công cộng?

Điều này cũng không được ghi nhận cụ thể trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Về mặt truyền thống, các đời tổng thổng luôn lựa chọn hình thức phát biểu công khai trước Nghị Viện. Tuy nhiên vào năm 1801, sau khi nhậm chức, Tổng Thống Thomas Jefferson cho rằng việc Nghị Viện phải tập trung chào đón một nguyên thủ và nghe một thông điệp định hướng lập pháp có vẻ hình thức và sáo rỗng như những gì mà các thể chế quân chủ chuyên chế rất ưa thích thực hiện. Vì vậy, hằng năm ông chỉ viết một bức thư và gửi cho Nghị Viện.

5. Ai có mặt tại Thông Điệp Liên Bang và “người sống sót chỉ định”

Trong đám đông tham dự buổi diễn văn Thông Điệp Liên Bang, hầu như tất cả các vị trí quyền lực nhất của Nhà nước Hoa Kỳ bao gồm Chính Phủ, thành viên Hạ Viện, thành viên Thượng Viện cũng như 9 thẩm phán từ Tối Cao Pháp Viện. Tuy nhiên, điều này cũng tăng rủi ro “rắn mất đầu” nếu một cuộc tấn công dưới bất kỳ hình thức nào vào buổi diễn văn này thành công hoặc có thiên tai diễn ra tại địa điểm tổ chức.

Vì vậy, chính thức trở thành một thông lệ từ thời Chiến Tranh Lạnh, một thành viên nội các thuộc chính phủ đương nhiệm sẽ được bảo vệ tại một địa điểm không tiết lộ – còn được gọi là “Người sống sót chỉ định” (Designated Survivor). Nếu có điều đáng tiếc xảy ra dẫn đến cái chết của toàn bộ các lãnh đạo cấp cao, “Người sống sót chỉ định” sẽ kế nhiệm vị trí tổng thống cũng như duy trì hoạt động bộ máy nhà nước.

6. Có phản đối chính trị nào diễn ra ngay sau Thông Điệp Liên Bang?

Có. Tuy nhiên không phải trực tiếp tại buổi lễ. Năm 1966, truyền thông đã đề nghị Đảng Cộng Hòa một khoảng thời gian là nửa giờ đồng nhằm bác bỏ và phản đối thông điệp của Tổng Thống Lyndon B. Johnson. Thượng Nghị Sĩ Everett Dirksen và Hạ Nghị sĩ Gerald Ford thực hiện bài phản luận này. Kể từ năm 1976, phản ứng của đảng đối lập được soạn thảo trong lúc diễn ra Thông Điệp và công bố ngay sau đó.

7. Ai là người có bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang dài nhất và ngắn nhất trong lịch sử?

Theo thống kê của Văn phòng thư ký Hạ Nghị Viện, Tổng Thống Harry Truman có bài thông điệp dài nhất với hơn 25.000 từ (so với trung bình 5.000 từ). Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ – George Washington là người có Thông Điệp Liên Bang ngắn nhất với vỏn vẹn 833 từ.

Nguồn bài viết

A Brief History of the State of the Union

Whats the State of the Union Address

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.