Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Tương tự như thời kỳ vay mượn pháp luật Liên Xô những năm 1960, sau Đổi Mới, vay mượn pháp luật một lần nữa là sự đặt chồng các khái niệm pháp lý của nước ngoài lên tổ chức xã hội và cấu trúc nhận thức pháp lý bản xứ. Phần này của chương xem xét liệu các nhà lập pháp hiện đại đã sẵn sàng hơn các tiền bối của họ trong việc điều chỉnh hệ thống pháp luật của nước ngoài cho phù hợp với các điều kiện trong nước hay chưa.
Kỳ trước:
Dịch giả: Étranger Nguyen
Dịch từ chương “Changing Concepts of Socialist Law in Vietnam” của tác giả John Gillespie
Trích từ “Asian Socialism and Legal Change: The Dynamics of Vietnamese and Chinese Reform” (“CNXH và thay đổi luật pháp ở châu Á: Động năng của cải cách ở Việt Nam và Trung Quốc”)
Các chú thích là của dịch giả. Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.
—
Có ba luồng tư tưởng chính trong các bài viết đã từng được công bố.
Một, hầu hết các nhà nghiên cứu sử dụng ngôn ngữ pháp lý kỹ thuật để phân tích pháp luật nước ngoài.
Hai, một số nhà nghiên cứu đã thử tái định hình chủ nghĩa Marx – Lenin để khiến cho việc vay mượn pháp luật trở nên khả thi về mặt lý thuyết[1].
Ba, một số ít các nhà nghiên cứu đã thầm lặng thay thế chủ nghĩa Marx – Lenin bằng các lý thuyết xã hội học phương Tây bằng cách đưa việc vay mượn pháp luật vào những bối cảnh thảo luận rộng hơn.
Quay trở lại luồng tư tưởng đầu tiên, hầu hết các nhà nghiên cứu pháp luật đều né tránh việc so sánh về chính trị, kinh tế và đạo đức hết sức nhạy cảm giữa luật nước ngoài và các điều kiện trong nước bằng cách tự thu hẹp chủ đề thảo luận trong các vấn đề kỹ thuật (Đào Bảo Ngọc 1999; Phạm Duy Nghĩa 2000).
Hãy xem xét nhận xét có thể so sánh được của nhà nghiên cứu Hoàng Thế Liên (1996) về năng lực pháp lý trong Luật dân sự châu Âu và Việt Nam. Phân tích của ông tập trung đánh giá câu chữ trên văn bản pháp luật mà không đi sâu vào những học thuyết pháp lý bên dưới, và càng ít hơn nữa các phân tích về chính trị, kinh tế và đạo đức đã hình thành nên những ưu điểm về mặt pháp lý. Ví dụ, năng lực pháp lý của công ty được phân tích bằng cách so sánh ý nghĩa câu chữ của các điều luật khác nhau, mà không tính tới việc giải thích các điều luật này được sử dụng trong các điều kiện kinh tế xã hội và pháp lý khác nhau.
Không nghi ngờ rằng tồn tại nhiều cách giải thích cho cách tiếp cận theo nghĩa đen của pháp luật vay mượn như trên, ví dụ như là sự thiếu hụt về luật so sánh[2] hay các kỹ năng nghiên cứu. Ngoài ra, còn có một mối quan ngại về chính trị vì theo giải thích của Đảng, luật nên “phản ánh ý chí của giai cấp thống trị”. Dự án LNA, được điều phối bởi Bộ Tư pháp, minh họa cho vấn đề trên. Nó phân tích sự phù hợp của luật Việt Nam và các cơ quan pháp luật dựa trên khả năng của họ nhằm hoàn thành bốn chiến lược phát triển kinh tế xã hội được thông qua tại Đại hội IX của Đảng năm 2001[3]. Các viên chức của Bộ đã bỏ qua các báo cáo kinh tế thể hiện rằng các chính sách hội nhập kinh tế của Đảng đã mang lại những kết quả không công bằng và cam kết của chính phủ về cải cách tư pháp đòi hỏi “phải thỏa mãn những tiêu chuẩn quốc tế nhằm giúp Việt Nam thực thi những cam kết quốc tế của mình” (Bộ Tư pháp 2002:25). Các quan điểm cho rằng việc nhập khẩu pháp luật cũng có thể làm “xói mòn” các giá trị văn hóa Việt Nam cũng bị bỏ qua.
Nếu các nhu cầu pháp luật chủ yếu được xem xét từ góc độ chính trị của Đảng và nhà nước, thì vấn đề liệu pháp luật nước ngoài có tương thích với hoàn cảnh trong nước không sẽ trở thành không quan trọng. Mặc dù các nhà làm luật nhìn chung khá cảnh giác với thực tế là các bộ luật không phù hợp sẽ thường đưa ra những kết quả không mong muốn, họ bị giới hạn trong việc nội địa hóa pháp luật trong một môi trường nhận thức khép kín nơi mà các quan điểm pháp lý phải lệ thuộc vào chính trị. Pháp luật được vay mượn thường xuyên được coi như là một lĩnh vực kỹ thuật, không dính dáng gì tới các ngữ cảnh chính trị, kinh tế, đạo đức và văn hóa.
Luồng tư tưởng thứ hai để lộ ra sự căng thẳng giữa các giới hạn chính trị và các tư tưởng pháp lý, và các chính sách của chính phủ giờ đây khuyến khích các nhà lập pháp xem xét tới ảnh hưởng xã hội của các luật mới[4]. Chính sách này làm các các nhà lập pháp dũng cảm hơn trong việc tìm kiếm những phương pháp mới để nội địa hóa luật nước ngoài. Trong khi vẫn giữ vững niềm tin rằng chủ nghĩa Marx – Lenin “vẫn là hệ tư tưởng khoa học và sáng tạo nhất trên thế giới”, họ nhấn mạnh tới việc cần thiết phải áp dụng các lý thuyết xã hội chủ nghĩa một cách uyển chuyển hơn trong hoàn cảnh mới (Lê Hồng Hạnh 1998:319).
Trao đổi với các luật sư Liên Xô trở nên khó khăn và chậm chạp hơn sau khi Cộng hòa Liên bang Nga được thành lập, và các nhà lý thuyết Việt Nam bắt đầu tìm kiếm những nguồn tư tưởng pháp lý mới. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều không có đủ khả năng ngôn ngữ cần thiết để hiểu sâu hơn về lý thuyết của Trung Quốc và, trong một số trường hợp, họ coi các tư tưởng pháp lý Trung Hoa là kém phát triển. Một vài nhà nghiên cứu đã chuyển sang tìm kiếm từ các nguồn tư tưởng trong nước, trong khi một số khác lại tìm kiếm ở nước ngoài.
Đào Trí Úc là một trong số rất nhiều các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm các tư tưởng pháp luật mới từ chính các nguồn trong nước. Như đã nói ở trên, ông ta cố gắng làm cho pháp luật vay mượn từ Liên Xô trở nên liên quan hơn bằng việc tái xác định lại hệ thống quan điểm kiến trúc thượng tầng – cơ sở hạ tầng của Marx để đánh giá việc vay mượn pháp luật từ các nước tư bản. Một số nhà nghiên cứu khác thì đã sáng tạo sử dụng tư tưởng pha trộn từ phương Tây, chủ nghĩa Marx – Lenin và các quan điểm truyền thống Việt Nam của Hồ Chí Minh như là “một cái ô về chính trị” để lén đưa những khái niệm mới vào trong các tranh luận pháp lý. Họ tìm kiếm và chọn lọc những tư tưởng của Hồ Chí Minh về “pháp quyền” hoặc những cách ngôn của Khổng giáo để mở ra một môi trường nhận thức chấp nhận những quan điểm vượt ngoài những phân tích giai cấp được Đảng cho phép (Trần Đình Huỳnh 1999; Lê Minh Tông 2000).
Mượn ý tưởng từ các nghiên cứu nước ngoài, một số lý thuyết gia đã cố gắng để mở rộng danh mục nhận thức bằng việc gia tăng cái khung hạn hẹp của các quan hệ pháp luật Xô viết chính thống. Khoa luật học Liên Xô du nhập vào Việt Nam những năm 1960 coi pháp luật là công cụ để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trước tiên, Nhà nước phân loại các quan hệ xã hội tùy theo các đặc điểm giai cấp và sau đó ban hành các đạo luật để điều chỉnh các mối quan hệ này trong “ngành tư pháp độc lập” đã được xác định từ trước. Phép phân loại của pháp luật Xô viết vẫn vận hành tốt trong nền kinh tế kế hoạch, nhưng giờ đây lại giới hạn giới lập pháp Việt Nam trong việc suy nghĩ về pháp luật thị trường theo một cách có hệ thống.
Hệ thống phân loại của pháp luật tài chính Liên Xô minh họa vấn đề này. Những hệ thống này đã được phát triển để phân loại các giao dịch tài chính trong một nền kinh tế chỉ huy tập trung và ảnh hưởng tới việc các pháp nhân nhận thức về pháp luật. Ví dụ, hệ thống phân loại Xô viết coi hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của luật tài chính công, bởi tiền được trả từ ngân sách nhà nước. Bởi vậy, rất khó khăn cho các luật sư để xem xét luật tư trong luật đấu thầu của Liên Xô.
Khái niệm được du nhập rằng sự “công bằng pháp luật” phải cân đối với lợi ích xã hội đã trực tiếp thách thức quan điểm Xô viết coi pháp luật là công cụ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Như một nhà nghiên cứu đã chỉ ra, “luật nên gắn liền với chính trị nhưng không phải là nô lệ của nhà nước” (Nhà nước và Pháp luật 1996:116 – 7). Nói cách khác. luật cụ thể hóa những chính sách chính trị, nhưng không phải công cụ quản lý. Cách suy nghĩ mới này cho phép các luật sư vượt qua hệ thống phân loại từ trên xuống kiểu Xô viết và khái niệm hóa những quan hệ pháp luật mới.
Một số nhà nghiên cứu khác đã cố gắng pha trộn những quan điểm Marxist với những lý thuyết phương Tây nhấn mạnh tới sự kết nối giữa luật và văn hóa, đặc biệt là văn hóa pháp lý phương Tây. Tác phẩm của họ đã vô thức vay mượn khái niệm “vô thức tập thể[5]” của Durkheim – cho rằng nếu xã hội là một môi trường đạo đức không nhìn thấy được bao quanh mỗi cá nhân, thì pháp luật chính là sự biểu thị của “tình cảm cộng đồng” (Durkheim 1960). Thông qua việc lập luận rằng pháp luật phản ánh những tập tục của xã hội và “tình làng nghĩa xóm”, họ không bằng lòng với việc cự tuyệt hệ quan niệm kiến trúc thượng tầng – cơ sở hạ tầng của Marx và nắm chặt lấy một lý thuyết xã hội có thể giải thích hoàn toàn sự phụ thuộc lẫn nhau giữa luật pháp và xã hội (Lê Minh Tâm 1998). Nếu không có bước cuối cùng này, lý thuyết của họ sẽ thiếu đi một phương pháp luận mà các nhà lập pháp cần để luật lệ hóa những quan điểm truyền thống.
Luồng quan điểm thứ ba tương phản với những cách tiếp cận mang tính lý thuyết của hai luồng quan điểm trước, bởi vì nó sử dụng lý thuyết xã hội học phương Tây để né tránh chủ nghĩa Marx – Lenin. Sự chuyển dịch tế nhị trong tư tưởng này được bộc lộ bởi những ý nghĩa hàm ẩn trong câu chữ chứ không phải trên mặt giấy. Những nhà nghiên cứu [theo trường phái này] hiếm khi đề cập tới các công thức của chủ nghĩa Marx – Lenin và phân tách rõ ràng những quan điểm chính trị, kinh tế, đạo đức và pháp luật. Được giải phóng khỏi hệ thống lý luận về kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng, họ hoàn toàn tự do trong việc khái niệm khóa những tương tác phức tạp giữa những hệ luật pháp được du nhập và xã hội bản xứ.
Một số luật sư được đào tạo ở Đức, dựa trên lý thuyết của Weber[6] rằng du nhập pháp luật kinh tế nước ngoài chỉ tạo ra những hành vi như mong muốn [trong xã hội bản xứ] khi chúng [những pháp luật vay mượn] trở nên quen thuộc và phổ thông với quần chúng, được định nghĩa rõ ràng, có thể dự đoán được và trong sáng[7] (Phạm Duy Nghĩa 2000, 2001). Họ duy trì quan điểm cho rằng những hệ thống pháp luật vay mượn vội vàng từ phương Tây sẽ không tương thích với tư duy pháp lý nội địa và sẽ không thể “bén rễ” thành công ở Việt Nam.
Phạm Duy Nghĩa (2000) lập luận rằng rất nhiều những tiêu chuẩn pháp lý về thương mại ở phương Tây được dựa trên những quan điểm của hệ thống chính trị và kinh tế tư bản chủ nghĩa, do đó sẽ không tương thích với những cấu trúc gia đình truyền thống và những mối liên kết tình cảm đã định hình “nền pháp lý nông dân[8]” của Việt Nam. Ông ta minh họa quan điểm này bằng Điều 8 và Điều 9 Luật Thương mại 1997[9], vay mượn những nguyên lý [điều chỉnh] cạnh tranh không lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng từ pháp luật phương Tây, lại có chức năng như là những khẩu hiệu chính trị lý tưởng trong nền kinh tế Việt Nam vốn bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Ông ta kết luận rằng nhìn chung, các hệ thống pháp luật vay mượn từ phương Tây không tương thích với điều kiện kinh tế và văn hóa quốc gia, mà việc vay mượn pháp luật chỉ là phương tiện mang tính thực tiễn nhằm nhanh chóng ban hành khung pháp lý thương mại do yêu cầu bắt buộc của việc hội nhập kinh tế quốc tế. “Sự hài hòa của pháp luật” là một dự án dài hơi đòi hỏi nhà nước phải dành nhiều nỗ lực cho các công tác nghiên cứu cũng như điều chỉnh những xung đột giữa các quan điểm của nước ngoài với tình hình xã hội Việt Nam.
Còn tiếp
Chú giải của tác giả
[1] Tức là làm cho việc vay mượn pháp luật không mâu thuẫn với chủ nghĩa Marx – Lenin
[2] comparative law
[3] Tham khảo http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/noidungvankiendaihoidang?categoryId=10000714&articleId=10038387
[4] Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (chú thích của tác giả).
Tham khảo: http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=27885
[5] Tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Collective_consciousness
[6] Max Weber (1864 – 1920) là nhà xã hội học, triết học, luật gia và nghiên cứu chính trị người Đức. Được coi là một trong những cha đẻ của ngành xã hội học. Tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Max_Weber
Một số tác phẩm của Weber đã được xuất bản tại Việt Nam. Tham khảo http://www.nxbtrithuc.com.vn/Danh-muc-tu-sach/2654751/329/Nen-dao-duc-Tin-lanh-va-tinh-than-chu-nghia-tu-ban.html
[7] Trong nguyên bản, tác giả chú thích: “tinh pho thong”, “xac dinh on dinh”, “co the du doan truoc”, “tinh ro rang’. Người dịch thay đổi một số thuật ngữ cho phù hợp với văn cảnh.
[8] Tác giả chú thích bằng tiếng Việt không dấu. Tìm kiếm trên Internet không cho thấy kết quả liên quan, có thể là do cách dịch khác nhau.
[9] Tham khảo toàn văn tại http://moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=8540