Tổ chức dân sự - lời giải cho bài toán cứu trợ trong thiên tai
Trước cảnh thiên tai lũ lụt đang diễn ra ở miền Bắc, người dân cả nước đang tìm nhiều cách
Lời người dịch:
“Civil Disobedience”, bài luận nổi tiếng nhất của Henry David Thoreau (1817-1862), nhà văn và nhà tư tưởng Mỹ, ra đời sau khi ông bị giam một đêm trong tù vì khước từ đóng thuế để phản đối cuộc Chiến tranh Mexico và chế độ nô lệ đang phát triển ở Mỹ. 160 năm sau, sau những gì đang diễn ra trên khắp thế giới càng thấy bài tiểu luận này vẫn đầy tính thời sự, và không chỉ đối với nước Mỹ.
Các kỳ liên quan:
Bất tuân dân sự – Kỳ 1: Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất
Bất tuân dân sự – Kỳ 2: Giá của một người trung thực
Bất tuân dân sự – Kỳ 3: Làm gì với những đạo luật bất công?
Bất tuân dân sự – Kỳ 4: Bắt đầu từ không đóng thuế?
—
Tôi chỉ trực diện chính phủ Mỹ hay đại diện của nó là chính phủ bang nhiều nhất là một lần một năm, đấy là người nhân viên thuế vụ; một người như tôi thì đấy là cách duy nhất có thể đối đầu trực diện với quyền lực nhà nước. Và bao giờ nó cũng nói: “Hãy công nhận uy quyền của ta”. Trong tình hình hiện nay, chúng ta chỉ có thể thể hiện sự bất mãn và không thích thứ quyền lực này một cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất và cần thiết nhất: Không công nhận nó.
Người hàng xóm đáng kính, người nhân viên thuế vụ mà tôi phải tiếp xúc đó – vì nói cho cùng, tôi tranh cãi với con người chứ không phải với giấy tờ – còn ông ta thì tự nguyện làm nhân viên của chính phủ. Làm sao ông ta biết mình là ai và hành xử như một nhân viên của chính phủ hay như một con người cho đến khi ông ta phải suy nghĩ về cách đối xử với tôi – người hàng xóm được ông ta tôn trọng – như một người hàng xóm hay như một thằng điên và kẻ gây rối trật tự công cộng và tìm cách vượt qua trở ngại đối với tình làng nghĩa xóm mà không phải dùng tới những từ ngữ thiếu suy nghĩ và ý nghĩ khiếm nhã. Song, tôi biết rõ rằng nếu một ngàn người trung thực, nếu một trăm người trung thực, nếu có mười người tôi có thể kể tên, chỉ cần mười người trung thực thôi, thậm chí chỉ cần một người trung thực trong cả Bang Massachusetts này không giữ nô lệ nữa, người đó có thể bị tống ra khỏi cộng đồng, bị nhốt vào tù; nhưng chế độ nô lệ trên toàn nước Mỹ sẽ bị bãi bỏ.
Vấn đề là khởi đầu, dù nhỏ đến đâu: một khi điều tốt đã được thực thi thì nó sẽ trở thành vĩnh viễn. Nhưng chúng ta chỉ thích nói về chuyện đó thôi, chưa ai trong chúng ta coi đấy là nhiệm vụ của mình. Hàng chục tờ báo nói về cải cách, nhưng chẳng có một người cụ thể nào đủ can đảm. Nếu người hàng xóm đáng kính của tôi, cũng là người đại diện cho nhà nước, vốn dành cuộc đời mình cho vấn đề quyền con người trong Hội đồng mà đừnglo lắng về nhà tù ở bang Carolina, nơi giam người tù của bang Massachusetts, bang đang tìm cách đẩy tội lỗi của chế độ nô lệ sang bang bên cạnh – mặc dù hiện nay lý cớ cho sự bất hòa chỉ là lòng hiếu khách chưa được như ý mà thôi – thì kỳ họp mùa đông tới, cơ quan lập pháp đã không loại vấn đề này ra khỏi chương trình nghị sự rồi.
Khi chính phủ bỏ tù người dân một cách bất công thì nhà tù sẽ là ngôi nhà cho những người công chính. Hiện nay chỗ xứng đáng duy nhất mà bang Massachusetts dành cho những người yêu tự do và chưa bị ngã lòng chính là nhà tù, đấy là nơi mà bang này nhốt và ly khai họ, cũng như trước đó họ đã – bằng niềm tin của mình – ly khai với chính quyền. Người nô lệ bỏ trốn, tù binh Mexico được tạm tha sau khi tuyên thệ và người Da Đỏ đang tìm cách bảo vệ đồng bào của mình phải sống tại đây. Nhà tù là khu vực đặc biệt, nhưng tại thời điểm này có vẻ tự do hơn và đáng kính trọng hơn nhiền chốn khác; nơi mà bang này cách ly những người chống lại nó – ngôi nhà duy nhất trong bang còn chế độ nô lệ – và cũng là nơi những người tự do có thể sống trong danh dự.
Nếu có người nào đó nghĩ rằng đi tù thì anh ta sẽ không còn tạo được ảnh hưởng nữa, rằng chính phủ sẽ không nghe thấy anh ta, rằng trong tù anh ta không còn là kẻ thù nữa, thì anh ta không hiểu rằng chân lý mạnh hơn dối lừa đến mức nào, cũng như không hiểu rằng người thực sự trải nghiệm bất công sẽ đấu tranh hiệu quả và hùng hồn như thế nào.
Bạn không chỉ đưa ra ý kiến bằng một mẩu giấy mà phải bằng toàn bộ sức mạnh của mình. Thiểu số là bất lực khi chiều theo đa số, trong trường hợp đó, nó cũng không còn là thiểu số nữa. Nhưng thiểu số sẽ có thứ sức mạnh vô địch khi nó chiến đấu với tất cả sức mạnh và niềm tin của mình.
Nếu sự lựa chọn là bỏ tù tất cả những người công chính hay chấm dứt chiến tranh và chế độ nô lệ thì nhà nước sẽ không lưỡng lự mà chọn phương án thứ nhất. Nhưng nếu một ngàn người không chịu đóng thuế thì sẽ không có đàn áp và đổ máu như trước đó, khi chính phủ có đủ nguồn lực tài chính để đàn áp và giết hại những người vô tội.
Trên thực tế, đấy chính là định nghĩa về cách cách mạng hoà bình, nếu quả thật có thể có một cuộc cách mạng như thế. Nhưng nếu một nhân viên thuế vụ hay một nhân viên công lực nào khác hỏi, như có người từng hỏi tôi: “Tôi biết làm thế nào?” thì câu trả lời của tôi sẽ là: “Nếu ông quả thật muốn làm một cái gì đó thì hãy từ nhiệm đi”. Khi công dân bất tuân và công chức từ nhiệm thì đấy chính là cách mạng. Nhưng giả sử có đổ máu? Thế máu không đổ khi lương tâm bị thương tổn ư? Nhân cách và sự bất tử của con người đang rỉ ra từ vết thương này, máu sẽ chảy cho đến chết. Dòng máu ấy lúc này vẫn đang chảy đây.
Còn tiếp