Bất tuân dân sự – Kỳ 5: Khi nhà nước túng quẫn

Bất tuân dân sự – Kỳ 5: Khi nhà nước túng quẫn

Lời người dịch:

“Civil Disobedience”, bài luận nổi tiếng nhất của Henry David Thoreau (1817-1862), nhà văn và nhà tư tưởng Mỹ, ra đời sau khi ông bị giam một đêm trong tù vì khước từ đóng thuế để phản đối cuộc Chiến tranh Mexico và chế độ nô lệ đang phát triển ở Mỹ. 160 năm sau, sau những gì đang diễn ra trên khắp thế giới càng thấy bài tiểu luận này vẫn đầy tính thời sự, và không chỉ đối với nước Mỹ.

Các kỳ liên quan:

Bất tuân dân sự – Kỳ 1: Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất

Bất tuân dân sự – Kỳ 2: Giá của một người trung thực

Bất tuân dân sự – Kỳ 3: Làm gì với những đạo luật bất công?

Bất tuân dân sự – Kỳ 4: Bắt đầu từ không đóng thuế?

Tôi nghĩ đến tù đày chứ không phải tịch thu tài sản – mặc dù cả hai biện pháp đó đều phục vụ cùng một mục đích – vì những người bảo vệ công lý chân chính và vì vậy mà là những người nguy hiểm nhất đối với nhà nước thối nát thường không dành nhiều thời gian để tích lũy của cải. Đối với những người đó, nhà nước chẳng mang lại lợi ích gì nhiều, và một khoản thuế khóa tương đối nhẹ cũng trở thành gánh nặng, nhất là khi họ phải kiếm sống bằng đôi bàn tay của mình. Nếu có người sống mà hoàn toàn không dùng đến tiền thì ngay cả nhà nước cũng không dám đòi anh ta tiền.

Nhưng người giàu – tôi nói mà không có ý so sánh theo lối ghen ăn tức ở  – luôn có thể bán mình cho những thiết chế đã làm cho người đó trở thành giàu có. Thường thì, càng nhiều tiền thì càng ít đức, vì tiền xen vào giữa anh ta và mục tiêu của anh ta – cuối cùng, giành được mục tiêu cho anh ta, và đương nhiên là chẳng có nhiều nhặn gì đức hạnh ở trong đó hết. Tiền còn giải quyết được nhiều vấn đề khác nữa, mà nếu không thì anh ta sẽ phải tự trả lời, chỉ còn lại một câu hỏi mới, khó nhưng là câu hỏi thừa: Tiêu như thế nào? Và thế là nền tảng đạo đức trượt khỏi chân anh ta.

Cơ hội sống giảm tương ứng cùng với sự gia tăng của cái gọi là “phương tiện” sống. Điều tốt nhất mà một người có thể làm cho nền văn hóa của mình, khi anh ta đã trở thành người giàu – là thực hiện những kế hoạch mà anh ta từng ấp ủ khi còn nghèo. Christ trả lời người Pharisêu: “Hãy đưa cho ta xem đồng tiền nộp thuế”, một người móc trong túi ra đồng xu. Nếu bạn sử dụng đồng tiền có hình Caesar trên đó, và nếu Ceasar làm cho nó có giá trị và đưa nó vào lưu thông, nghĩa là bạn đang ủng hộ nhà nước và bạn vui lòng hưởng thụ những đặc ân của chính phủ đó. Vậy nên hãy trả cho ông ta đồng tiền đó khi Ceasar đòi lại. “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” – họ không hiểu được cái gì – của ai, vì họ không muốn hiểu.

Comp 1_00000

Khi nói chuyện với những người hàng xóm có tư tưởng tự do nhất, tôi cảm nhận được rằng dù họ có nói gì về tầm quan trọng và mức độ nghiêm túc của tự do thì họ vẫn dành sự tôn trọng nhất định đối với sự thanh bình của xã hội. Và cuối cùng vẫn là họ cần sự bảo vệ của chính phủ hiện hành vì hậu quả của hành động bất tuân có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tài sản và gia đình mình. Về phần mình, tôi không thích nghĩ rằng mình phải dựa vào sự bảo vệ của nhà nước. Nhưng, nếu tôi phủ nhận quyền lực của chính phủ khi họ bắt tôi đóng thuế thì chính phủ sẽ lập tức tịch thu tài sản của tôi và làm phiền tôi và con cái tôi. Thế là không tốt. Người ta không thể sống vừa tiện nghi, được tôn trọng lại đồng thời là người trung thực. Không cần tích lũy tài sản, chẳng bao lâu sẽ lại bị mất thôi. Bạn phải là người cấy rẽ hay ngồi xổm ở đâu đó, trồng cấy ít thôi và ăn hết ngay trong thời gian ngắn. Bạn phải sống nội tâm và dựa vào chính mình, và sẵn sàng bắt đầu công việc mới, và không có quá nhiều việc phải làm.

Nếu chỉ cần là thần dân trung thành với chính phủ là đủ thì ngay cả ở Thổ Nhĩ Kì cũng làm giàu được. Khổng tử nói: “Nước có đạo mà nghèo hèn, thì đáng hổ thẹn. Nước không có đạo mà giàu lại sang, thì đáng hổ thẹn”. Không: khi tôi không cần sự bảo vệ của Massachusetts ở một hải cảng xa xôi phía Nam, nơi quyền  tự do của tôi bị đe dọa; hay khi tôi không tìm cách tích lũy tài sản ở đây bằng lao động hòa bình, thì tôi có thể từ chối bổn phận đối với Massachusetts và quyền của nó đối với tài sản và cuộc sống của tôi. Hình phạt mà tôi phải chịu do không tuân phục nhà nước còn rẻ hơn là tuân phục. Vì nếu tuân phục, tôi sẽ trở thành người thấp kém hơn.

Cách đây mấy năm, nhà nước đã thay mặt nhà thờ đến gặp tôi và buộc tôi phải đóng một khoản tiền để ủng hộ vị tu sỹ mà bố tôi từng nghe giảng, nhưng tôi chưa nghe bao giờ. “Nộp đi”, người ta bảo, “nếu không sẽ bị tù đấy”. Tôi không nộp. Nhưng đáng tiếc là có người cho rằng cần phải nộp. Tôi không hiểu vì sao thầy giáo phải đóng thuế để nuôi tu sỹ, chứ không phải là tu sỹ phải nuôi thầy giáo; vì tôi không được nhà nước nuôi, các học trò tự nguyện tới học nuôi tôi. Tôi không hiểu vì sao trường học không nhờ nhà nước thu thuế để bảo trợ cho mình, tương tự như nhà thờ vậy. Tuy nhiên, trước yêu cầu của các nhân viên thuế vụ, tôi đồng ý tuyên bố bằng văn bản như sau: “Xin mọi người biết rằng, tôi, Henry Thoreau, không muốn bị coi là thành viên của bất cứ tổ chức nào mà tôi không tham gia”. Tôi giao bản tuyên bố cho viên thư ký thành phố và ông ta đã nhận. Và từ khi nhà nước biết rằng tôi không muốn bị coi là thành viên của nhà thờ đó, họ đã không đòi tôi phải nộp nữa; mặc dù lần đó họ đã kiên quyết đòi tôi phải nộp. Nếu tôi biết tất cả tên của các tổ chức thì tôi sẽ tuyên bố ra khỏi tất cả các tổ chức mà tôi chưa từng tham gia ngay lập tức, nhưng tôi không biết tìm danh sách này ở đâu.

Tôi không đóng thuế thân sáu năm rồi. Một lần tôi bị giam một đêm vì chuyện đó; trong khi ngắm nhìn bức tường đá dày gần một mét[1] , cái cổng gỗ viền thép dày cả nửa mét[2] tôi bất ngờ nhận ra sự ngu dốt của cái thể chế coi tôi chỉ như một cục thịt, có thể giam cầm được. Tôi ngạc nhiên vì họ đã chọn cách đó chứ không sử dụng tôi theo cách nào khác. Có một bức tường đá ngăn cách tôi với đồng bào của tôi, nhưng người ta còn phải vượt qua một bức tường khó khăn hơn thế nhiều để đạt được tự do như tôi. Tôi không cảm thấy bị giam cầm, dù chỉ một khắc giây và bức tường kia chỉ là sự phí phạm đá và vữa. Tôi thấy như chỉ một mình tôi đóng thuế mà thôi. Không biết xử sự với tôi, họ đã hành động như những kẻ vô giáo dục. Những lời đe doạ cũng như thuyết phục của họ đều ngớ ngẩn vì họ cho rằng ước muốn duy nhất của tôi là ra khỏi mấy bức tường đó. Tôi không thể không mỉm cười trước cái cách họ ngăn chặn tư tưởng của tôi, nhưng tư tưởng của tôi vẫn theo họ mà ra, không hề ngăn ngại, và chỉ có chúng mới là mối nguy với họ. Không thể khuất phục được tôi, họ quay ra hành hạ thân xác tôi; giống như trẻ con, khi không đánh được người chúng ghét thì chúng quay ra hành hạ con chó của người đó. Tôi thấy rằng nhà nước rất kém khôn ngoan, nó cũng lúng túng giống như một gái già cô độc với chiếc thìa bạc vậy; nó không phân biệt được bạn thù, nó đã đánh mất sự tôn trọng cuối cùng còn lại của tôi và tôi chỉ cảm thấy thương hại cho nó.

Như vậy là nhà nước không bao giờ có thể kiểm soát lý trí, đạo đức mà chỉ kiểm soát thân xác và ngũ quan của con người [3]. Nó không được trang bị lòng trung thực và trí thông minh, nó chỉ có sức mạnh. Tôi sinh ra không phải để bị đè nén. Tôi sẽ thở theo cách của mình. Để xem ai mạnh hơn ai. Đám đông thì có cái gì? Chỉ những ai thuận theo luật cao hơn tôi mới ép buộc được tôi. Đằng này họ lại bắt tôi giống như họ. Tôi chưa từng nghe nói có người nào chịu để cho đám đông chỉ cho phải sống thế này hay sống thế kia. Thế mà gọi là sống ư?

Khi chính phủ bảo tôi: “Muốn sống thì đưa ví đây”, thì việc gì tôi phải vội vã giao tiền cho nó? Có thể nó đang rất túng bấn và không biết phải làm thế nào, nhưng chuyện đó thì liên quan gì đến tôi. Nó phải tự xoay xở, cũng như tôi vậy thôi. Không cần phải than vãn về chuyện đó. Tôi không phải chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy của xã hội. Tôi không phải là con của người kỹ sư làm ra cái máy đó. Tôi biết rằng khi quả sồi và quả hạt dẻ rơi cạnh nhau thì không quả nào chịu nằm yên nhường đường cho quả kia, mà quả nào cũng đều theo quy luật của mình, chúng nảy mầm, lớn lên và ra hoa kết trái cho đến khi, có thể là, một cây sẽ che hết nắng của cây kia. Nếu cái cây không thể sống theo bản chất của mình thì nó sẽ chết, con người cũng thế thôi.

Còn tiếp

Chú giải của người dịch

[1] Nguyên văn: two or three feet thick – dày hai ba foot (mỗi foot dài 0,3048m).

[2] Nguyên văn: a foot thick – dày một foot (mỗi foot dài 0,3048m).

[3] E rằng lúc đó nhà nước chưa được tinh tế lắm. Các nhà nước toàn trị sau này đã kiểm soát tất, cả lí trí, cả tình cảm nữa.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.