Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Các kết quả khảo sát mới nhất do chương trình khảo sát chính trị – Asian Barometer – đưa ra cho thấy một số quan sát thú vị về chính kiến, thái độ chính trị của người Việt Nam.
Chương trình khảo sát này do một nhóm các nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Đài Loan thực hiện, tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phương pháp khảo sát đại chúng của tổ chức quốc tế chuyên về khảo sát Global Barometer Surveys.
Khảo sát được thực hiện tại nhiều nước Châu Á, thông qua việc thu thập hồi đáp với một bảng câu hỏi khảo sát thống nhất.
Những người trả lời câu hỏi khảo sát, hay “mẫu khảo sát” (sample) bao gồm khoảng 1.200 cá nhân đang trong độ tuổi đi bầu của mỗi nước, được chọn ngẫu nhiên. Mẫu khảo sát được phân chia tỷ lệ để đảm bảo tương đối bao quát dân số cả nước, bao gồm dân số vùng nông thôn và người dân tộc thiểu số của mỗi quốc gia.
Các câu hỏi và trả lời khảo sát được chuyển ngữ cho phù hợp với nhóm người trong mẫu nghiên cứu, và sau đó được kiểm tra độc lập để xác minh tính chính xác trong dịch thuật.
Vậy kết quả khảo sát của Asian Barometer cho thấy gì về chính kiến của người Việt Nam và các nước Châu Á khác?
Tin tưởng vào thể chế dân chủ?
Trong kết quả khảo sát về mức độ “hài lòng” (satisfied) với tình trạng dân chủ của nước mình, người Việt Nam cho thấy một sự lạc quan chỉ thua kém Thái Lan và Singapore. 85% người được khảo sát cho biết họ hài lòng với tình trạng dân chủ trong nước:
Tỷ lệ hài lòng với tình trạng dân chủ trong nước của người dân Châu Á (Ảnh: Asian Barometer)
Một kết quả khảo sát quan trọng khác về mức độ ưa thích dân chủ (preference for democracy) cho thấy từ đợt 3 (khảo sát năm 2010) sang đợt 4 (khảo sát năm 2015), mức độ ưa thích dân chủ tại Việt Nam giảm 7% từ 72% xuống 65% nhưng vẫn ở mức đa số:
Tỷ lệ mức độ ưa thích dân chủ của người dân các nước Châu Á (Ảnh: Asian Barometer)
Kết quả nói trên cũng cho thấy một số quan sát thú vị:
Ưa thích dân chủ hay không là một chuyện, nhưng có khuynh hướng sẵn sàng lựa chọn những hình thức chính quyền phản dân chủ hay không lại là chuyện khác.
Người dân nước nào sẵn sàng chọn các hình thức chính quyền phản dân chủ nhất?
Các nhà nghiên cứu khảo sát về khuynh hướng sẵn sàng lựa chọn những hình thức chính quyền phản dân chủ bằng cách cho người được khảo sát chọn lựa một hoặc nhiều hơn các hình thái chính quyền phản dân chủ thể hiện qua ba lựa chọn:
(i) “loại bỏ hoàn toàn quốc hội và không cho bầu cử tự do, để cho một lãnh đạo mạnh mẽ tự quyết”;
(ii) “chỉ một đảng chính trị được phép tranh cử và nắm quyền”; hoặc
(iii) “để cho quân đội nắm quyền điều hành đất nước”
Kết quả khảo sát cho thấy các nước có truyền thống thực hành dân chủ lâu dài tuy có thể không ưa thích dân chủ, nhưng lại rất xác quyết trong việc từ chối chọn lựa những hình thức chính quyền phản dân chủ nói trên:
Thế nên, “giận thì giận mà thương thì thương dân chủ”, luôn có hơn 70% người Nhật, người Đài Loan và người Hàn Quốc từ chối tất cả các hình thức chính quyền phản dân chủ.
Không có gì lạ với điểm này, vì cả ba nước nói trên đều đã có những quá khứ đẫm máu đau thương dưới các chính quyền độc tài quân sự.
Trong khi đó, người Philippines và người Hong Kong có vẻ đang dần dần ngày càng sẵn sàng từ chối các hình thái chính quyền phản dân chủ.
Người Việt Nam thì lại có một động thái lạ: khảo sát đợt 2 năm 2005 cho thấy có tới 32% số người được hỏi từ chối tất cả các hình thái chính quyền phản dân chủ (bao gồm cả hình thái thứ (ii) nói trên vốn chính là hình thái chính quyền độc đảng hiện nay của Việt Nam).
Vì một lý do nào đó, trong đợt khảo sát đợt 3 vào khoảng 5 năm sau, tỷ lệ này đột nhiên nhảy bungee lao vực xuống còn 1%! Có nghĩa là 99% người Việt Nam được khảo sát chấp nhận một thể chế phản dân chủ.
Dân chủ là đề cao công bằng xã hội?
Trong khảo sát xác định nhận thức về dân chủ, chương trình khảo sát cho phép những người được khảo sát chọn một trong bốn cách định nghĩa khác nhau về “dân chủ”. “Dân chủ” là:
Có thể thấy là hai tiêu chuẩn đầu tiên là những tiêu chuẩn về quy trình dân chủ (procedural) trong khi hai tiêu chuẩn tiếp theo là những tiêu chuẩn về thành quả của dân chủ (substantive outcomes).
Kết quả khảo sát đợt 3 (thực hiện tại Việt Nam năm 2010) cho thấy đa số người dân các nước Châu Á khá thực dụng khi định nghĩa dân chủ: họ đề cao những tiêu chuẩn về đảm bảo thành quả hơn là những tiêu chuẩn về đảm bảo quy trình:
Tỷ lệ lựa chọn định nghĩa về dân chủ của người dân các nước Châu Á (Ảnh: Asian Barometer)
Nhật Bản dẫn đầu nhóm xem “dân chủ” là “đảm bảo quản trị nhà nước tốt” với 42.3% người được khảo sát chọn định nghĩa dân chủ này. Hàn Quốc, một quốc gia khác được xem là một hình mẫu dân chủ ở Châu Á, cũng có đa số 38% chọn định nghĩa dân chủ này.
Trong khi đó, Việt Nam lại dẫn đầu nhóm xem “dân chủ” là “đảm bảo công bằng xã hội” với tỷ lệ 42.4%, hơn nước đứng thứ nhì là Thái Lan đến 6%.
Đáng chú ý là kết quả khảo sát cho thấy người Việt Nam là nhóm dân “xem nhẹ” nhất các tiêu chuẩn về quy trình trong định nghĩa dân chủ: chỉ có 16.6% người Việt Nam được khảo sát định nghĩa dân chủ là “đảm bảo chuẩn mực và thủ tục”, và tệ hơn nữa, chỉ có 6.1% xem “dân chủ” là “đảm bảo tự do”.
Khẩu hiệu trên giấy tờ hành chính tại Việt Nam có lẽ nên được sửa lại theo một thứ tự mới: “Hạnh Phúc – Độc Lập – Tự Do”!
Tin tưởng vào bộ máy quan chức nhà nước?
Kết quả khảo sát năm 2010 cho thấy có đến 85% người Việt Nam được khảo sát tin tưởng vào giới quan chức chính phủ Việt Nam, cao nhất trong tất cả các nước Châu Á:
Các nước có truyền thống dân chủ lâu đời như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan thì lại đặc biệt không tin tưởng vào giới quan chức của họ.
Bên cạnh đó, năm 2005, chỉ có 14% người Việt Nam được khảo sát tin rằng “phần lớn”, hay “gần như toàn bộ”, các quan chức chính quyền quốc gia đều tham nhũng:
Còn khảo sát 2 đợt cách nhau 5 năm 2005-2010 thì cho thấy một con số ổn định: chỉ có 5% người Việt Nam được khảo sát tin rằng phần lớn các quan chức địa phương là tham nhũng:
Tỷ lệ dân chúng tin rằng quan chức trong bộ máy chính quyền địa phương phần lớn là tham nhũng (Ảnh: Asian Barometer)
Coi trọng tầm ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc?
Một phần của cuộc khảo sát được dành cho các câu hỏi liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và thái độ của người dân ở các nước đối với điều đó. Có tới 55% số người Việt Nam được khảo sát trong đợt khảo sát thứ 3 (Wave 3 – thực hiện tại Việt Nam từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2010) cho biết là họ có cái nhìn tích cực (positive view) về ảnh hưởng của Trung Quốc lên khu vực Châu Á.
Tỷ lệ người dân có cái nhìn tích cực về ảnh hưởng của Trung Quốc lên khu vực Châu Á (Ảnh: Asian Barometer)
Đáng lưu ý là tỷ lệ này đã tồn tại bất kể căng thẳng vì tranh chấp khu vực Biển Đông với Trung Quốc vốn đã nảy sinh căng thẳng từ trước 2010.
Tuy nhiên, có thể nói rằng tranh chấp ở Biển Đông chỉ thật sự đặc biệt nóng lên lên từ năm 2011 với sự kiện Tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam.
Khảo sát đợt 4 của Việt Nam (thực hiện năm 2015) vẫn chưa được báo cáo, nhưng có thể tiên đoán là do ảnh hưởng của tranh chấp Biển Đông leo thang và các lo ngại khác về Trung Quốc gần đây tại Việt Nam, tỷ lệ “ủng hộ” này dự đoán là sẽ không còn ở mức 55%.
55% có thể coi là đa số, tuy nhiên nếu so sánh với các nước khác trong cùng khu vực, có thể thấy tỷ lệ “ủng hộ” tầm ảnh hưởng Trung Quốc của người Việt Nam không thật sự ấn tượng. Đài Loan, đất nước luôn phải chịu đe dọa, chèn ép từ Trung Quốc cũng có đến tỷ lệ 59% ”ủng hộ” ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc trong khảo sát đợt 3 (khảo sát năm 2010). Con số này thậm chí còn tăng lên 63% trong khảo sát đợt 4 (thực hiện năm 2014).
Tuy nhiên con số 55% của Việt Nam vẫn cao hơn cả ba nước khác vốn nằm gần Trung Quốc nhất. Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy chỉ 19% người Nhật, 28% người Myanmar, và 31% người Mông Cổ là “yên tâm” với sự trỗi dậy trong khu vực của Trung Quốc.
***
Các kết quả khảo sát nói trên, đặc biệt là phần về các câu hỏi liên quan đến mức độ tin tưởng vào bộ máy quan chức nhà nước, có lẽ cho thấy rằng có nhiều lý do để nghi ngờ mức độ chính xác và cập nhật với thời cuộc của các kết quả khảo sát Asian Barometer.
Đặc biệt, nếu chúng ta đặt các kết quả khảo sát này bên cạnh các phát biểu, phàn nàn, công kích nhan nhản trên các mạng xã hội Việt Nam giành cho giới quan chức thường được xem là “tham nhũng”, “lạm quyền” – trong thời gian gần đây.
Kết quả khảo sát, nhất là vào năm 2010, thì lại hoàn toàn tương phản với những phàn nàn, công kích đó.
Khảo sát đợt 4 của Asian Barometer được thực hiện năm 2015 vẫn chưa được báo cáo. Hy vọng chúng ta sẽ sớm được thấy các kết quả khảo sát mới hơn về mức độ tin tưởng vào bộ máy quan chức nhà nước của người dân Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
Preliminary Findings from the Asian Barometer Survey (Asian Barometer)
Survey Methods of the Asian Barometer Survey (Asian Barometer)
Survey Timetable of the Asian Barometer Survey (Asian Barometer)