Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Nho giáo đã thấm sâu vào văn hóa Việt Nam, tác động lên ý thức và hành động của hầu hết mọi người.
Vì sao Đảng Cộng sản vẫn ngang nhiên tồn tại trong sự chán ghét và thất vọng của quốc dân? Nho giáo và những giá trị nền tảng của dân chủ có xung khắc với nhau? Người viết sẽ phân tích những học thuyết cơ bản của Nho giáo và các nguyên tắc nền tảng của dân chủ, để chứng minh văn hóa Nho giáo là một trong những rào cản lớn của tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
***
Khổng Tử, tên thật là Khổng Khâu, sống vào năm 551 – 479 TCN, cách đây khoảng 2500 năm. Nho giáo được Khổng Tử ghi chép, tổng hợp từ những học thuyết có sẵn và trình bày trong “Ngũ Kinh” (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch) với mong muốn tạo ra một xã hội trật tự và ổn định. Ngoài ra, trong Nho giáo còn có “Tứ Thư” (Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử) do các học trò của Khổng Tử viết – trong đó, Luận Ngữ được giới nhà Nho tôn sùng nhất vì ghi lại những cuộc đối thoại và lời dạy của Khổng Tử.
Khoảng hơn 300 năm sau khi Khổng Tử qua đời, vua nhà Hán là Hán Vũ Đế (156 – 87 TCN) chấp thuận đề nghị của Đổng Trọng Thư (175 – 105 TCN) là “bãi truất trăm nhà, độc tôn đạo Nho”, qua đó nâng Nho giáo thành “quốc giáo”. Đổng Trọng Thư đã pha trộn thêm các học thuyết khác vào Nho giáo, với mục đích mặc cho đế vương chiếc áo của “Thiên Tử” và “mệnh Trời”, đặc biệt chú trọng đến tư tưởng “tận tâm tận lực” phục vụ cho kẻ cầm quyền. Sau đó, các đế vương thời nhà Đường, nhà Tống và nhà Minh thấy được lợi ích của Nho giáo với chế độ quân chủ chuyên chế cũng đã phong thánh cho Khổng Tử và biến “Luận Ngữ” thành cuốn “Thánh kinh” của Nho giáo.
Lỗ Tấn – nhà văn nổi tiếng Trung Quốc – đã diễn giải việc tôn sùng Khổng Tử vào năm 1935: “Những kẻ đặt Khổng Tử lên bàn thờ, thánh hóa ông chính là những kẻ cầm quyền, hoặc những kẻ muốn nắm quyền. Việc này hoàn toàn không phải là việc của dân chúng bình thường.”
Nhiều người tôn sùng Khổng Tử cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam không áp đặt Nho giáo, nên nó không phải là rào cản của dân chủ.
Nhiều bạn trẻ khác thì cho rằng họ không bị Nho giáo ảnh hưởng vì họ không đọc “Luận Ngữ” hay “Tứ Thư”, thế nên, họ bác bỏ lập luận Nho giáo cản trở tiến trình dân chủ.
Hai lập luận trên mắc lỗi ngụy biện “kết luận vội vàng” (hasty generalization) vì đã bỏ qua vai trò cực kỳ quan trọng của văn hóa.
Khái niệm văn hóa của người Việt khá giới hạn, khi phần lớn thường hiểu văn hóa là một hệ thống các giá trị xã hội của một cộng đồng được lưu truyền qua các đời. Trong thực tế, ý niệm và vai trò của văn hóa rộng hơn rất nhiều. Hiểu một cách giản dị nhất, văn hóa đóng vai trò trung tâm trong mọi khía cạnh từ hành vi, nhận thức, sở thích, ý nghĩa cuộc sống của một cá nhân, một cộng đồng hay một dân tộc. Cách con người cư xử ra sao và cấu trúc xã hội như thế nào là những biểu hiện đặc trưng của văn hóa. Khi con người tiến hành làm một việc gì đó, văn hóa sẽ đóng vai trò định hướng để họ đi đến quyết định và hành động.
Các nhà nhân chủng học, triết gia và lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một dân tộc chính là văn hóa, đặc biệt là văn hóa tổ chức. Văn hóa cũng như DNA trong cơ thể của con người – được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và có khả năng thay đổi theo thời gian. Không có thói quen hợp quần, cam chịu, dựa dẫm, đặt nặng hình thức, xem nhẹ lợi ích chung, v.v. là những nét văn hóa đặc trưng của người Việt.
Từ lúc hình thành cho đến nay, An Nam – Việt Nam chịu sự đô hộ hơn 1000 năm của Trung Hoa và hơn 1000 năm khác dưới sự cai trị của chế độ quân chủ chuyên chế tôn sùng Nho giáo. Hãy ngẫm xem văn hóa Trung Quốc và Nho giáo ảnh hưởng tới văn hoá Việt Nam nặng nề đến đâu?
Cụ Phan Châu Trinh đã thốt lên tiếng than về hệ lụy của Nho giáo: “Một bọn hủ nho mắc cạn còn vẽ rắn thêm chân vào, đem những tư tưởng rất nông nổi truyền bá ra để trói buộc dân gian. Như là: “Quân thần chí nghĩa bất khả đào ư thiện địa chi gian”, nghĩa là mình sinh ra xứ này phải đội ông vua lên đầu. Tư cách ông vua thế nào, chính sách ông vua thế nào, các ông không cần biết đến. Hễ có cái huy hiệu là ông vua thì các ông đội lên thôi! Ôi Hủ nho! Hủ nho! Cũng vì mấy câu tà thuyết của các ngươi mà gia đình luân lý của nước nhà ta ngày nay trụy lạc đến thế này.”
Người Việt đã lưu truyền Nho giáo từ đời này sang đời khác mà không hề ý thức được điều đó. Một đứa bé sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không cần phải đọc sách của Khổng Tử mà vẫn bị Nho giáo ảnh hưởng từ gia đình và xã hội. Như học giả Phan Khôi viết năm 1929: “Thiệt ra thì những ngũ kinh tứ thơ ngày nay tuy không đọc nữa, mà cái tinh túy của nó, ơ chưa nói hay hay là dở, đã thấm đến trong xương chúng ta mấy mươi đời nay. […] Đừng nói kẻ vô học là không có quan hệ gì với Khổng giáo, chính những kẻ ấy cũng vẫn giữ cái quan niệm của nhà nho.”
Nhìn chung, từ lúc nước Việt hình thành cho đến nay, dân tộc Việt không được trải nghiệm nền giáo dục khai phóng, nhân bản, sáng tạo và mới chỉ biết đến các giá trị phổ cập như dân chủ, tự do, bình đẳng và công lý gần đây.
Rõ ràng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không cần phải mở viện Khổng Tử để nhồi nhét Nho giáo, hệ tư tưởng mà dân tộc Việt vốn đã thấm nhuần. Lịch sử Việt Nam gắn chặt với các chế độ quân chủ chuyên chế dùng Nho giáo để củng cố quyền lực và tạo ra những thế hệ an phận, cam chịu, không có tinh thần phản kháng bất công, ỷ lại, thần thánh hóa lãnh tụ, háo danh, ham địa vị, đặt lợi ích cá nhân/gia đình lên trên lợi ích cộng đồng/quốc gia.
Như Phan Châu Trinh đã diễn đạt khá trung thực về hệ lụy của Nho giáo trong một bài diễn thuyết tại Sài Gòn năm 1925: “Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích là bởi ba bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc ham quyền tước, ham bả vinh hoa của các triều vua mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết có vua mà chẳng biết có dân. Bọn ấy muốn giữ túi tham mình được đầy mãi, địa vị mình được vững mãi, bèn kiếm cách thiết pháp luật, phá tan tành đoàn thể của quốc dân… Ngày xưa thì bọn ấy là bọn Nho học đã đỗ được bằng cử nhân, tiến sĩ, ngày nay thì bọn ấy là bọn Tây học đã được cái chức ký lục thông ngôn… Những bọn quan lại đã nói ở trên này chỉ còn một tiếng chỉ đúng hơn là lũ ăn cướp có giấy phép vậy.”
Học thuyết Nho giáo không có khái niệm quốc gia và lợi ích dân tộc, đánh đồng “quốc gia” với “nhà vua chuyên chế” cũng giống như chế độ cộng sản đánh đồng “yêu nước” là “yêu chế độ xã hội chủ nghĩa”. Bởi thế Phan Châu Trinh nhấn mạnh rằng: “Cái học thuyết của Tống nho là học thuyết vong quốc.” Tóm lại, Nho giáo đã dọn sẵn con đường êm ái và dễ dãi cho chế độ cộng sản lên nắm quyền và cai trị. Chế độ cộng sản ngang nhiên tồn tại ở Việt Nam – Trung Quốc – Triều Tiên là vì được gieo trồng trên “vùng đất” đã thấm nhuần Nho giáo.
Chúng ta phải mạnh dạn thừa nhận rằng Nho giáo đã thấm sâu vào văn hóa Việt Nam, tác động lên ý thức và hành động của hầu hết mọi người. Chính vì vậy mà cách đây hơn 100 năm, các nhà trí thức của phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục đã can đảm nhìn nhận hệ lụy Nho giáo và quyết tâm xóa bỏ các tư tưởng lạc hậu của nó. Như Phan Khôi đã viết: “Cái đạo của ngài (Khổng Tử) chẳng những không hợp thời, không dụng được trong thời nay, mà lại, những chỗ không hợp thời ấy, những chỗ không dụng được ấy, nếu còn vướng víu trong óc chúng ta, là kẻ cần phải kiếm cách “sanh hoạt mới” ở đời này, thì cũng còn là không lợi cho ta vậy.”
Thế nhưng, hệ lụy của Nho giáo – tư tưởng nô lệ vẫn còn tồn tại mạnh mẽ tại Việt Nam. Cụ thể, do thấm nhuần tư tưởng Nho giáo quá sâu, đại đa số người Việt ngày nay tê liệt khả năng phản kháng, trở nên vô cảm, sợ sệt và ù lỳ. Tinh thần hủ Nho thể hiện rõ nhất qua hình ảnh của những người tự nhận là trí thức. Họ hoặc biến mình thành công cụ của nhà cầm quyền hoặc hèn yếu chấp nhận an phận để có cuộc sống yên ổn, thay vì phản kháng bất công cũng như cống hiến cho lợi ích chung của Tổ quốc và dân tộc.
Phần tiếp theo: Nho giáo cản trở tiến trình dân chủ hóa Việt Nam như thế nào
Bạn có quan điểm khác với tác giả Mai Vũ Phạm? Hãy gửi bài tranh luận của bạn tới địa chỉ bbt@luatkhoa.org.
—
Từ khoá:
Nho giáo: Confucianism (n)
dân chủ hoá: democratization (n), to democratize (v)
chế độ quân chủ chuyên chế: authoritarianism (n)
giáo dục khai phóng: liberal education (n)