Tôn giáo tháng 6: Tín đồ về từ rừng, tranh chấp đất đai, VN phản đối báo cáo của Mỹ…

Tháng 6/2020, nhiều vụ việc liên quan đến tôn giáo đã xảy ra như tranh chấp giữa một thánh thất Cao Đài độc lập và các tín đồ Cao Đài đăng ký, hay tranh chấp đất đai giữa giáo xứ, đan viện với chính quyền ở một số địa phương cùng với những tin tức […]

Tôn giáo tháng 6: Tín đồ về từ rừng, tranh chấp đất đai, VN phản đối báo cáo của Mỹ…
Tượng Đức mẹ được đặt trong khuôn viên mà giáo dân Đồng Đinh đã vây lại bằng lưới thép. Ảnh: Giáo xứ Đồng Đinh.

Tháng 6/2020, nhiều vụ việc liên quan đến tôn giáo đã xảy ra như tranh chấp giữa một thánh thất Cao Đài độc lập và các tín đồ Cao Đài đăng ký, hay tranh chấp đất đai giữa giáo xứ, đan viện với chính quyền ở một số địa phương cùng với những tin tức khác trong mục [Tôn giáo 360 độ]. Cùng tìm hiểu về việc các thánh thất Cao Đài độc lập bị uy hiếp như thế nào trong những năm qua trong mục [Bạn có biết].

Hoan nghênh độc giả góp ý và tham gia viết báo cáo cùng chúng tôi qua email: tongiao@luatkhoa.org.


Tôn giáo 360 độ

Ba người dân tộc Ba-na bị bắt vì theo đạo Hà Mòn sau chín năm lẩn trốn rừng không bị truy tố

Ba người dân tộc Ba-na là Jư, 56 tuổi, Lúp, 50 tuổi và Kưnh, 32 tuổi, bị bắt vào ngày 19/3/2020 sau chín năm lẩn trốn trong rừng đã được chính quyền cho trở về nhà, cả ba không bị truy tố tội danh nào.

Từ trái sang: Kưnh (thứ hai), Jư (thứ ba), và Lúp (thứ 5). Ảnh: TTXVN.

Cả ba được đưa về “kiểm điểm, giáo dục trước dân” tại làng của mình vào ngày 3/6/2020. Đây là một hình thức được sử dụng phổ biến để răn đe người dân ở các khu vực mà chính quyền cho rằng dễ bị các tôn giáo lợi dụng.

Báo chí nhà nước đã đồng loạt đăng những bài viết mô tả chính sách khoan hồng của nhà nước Việt Nam  dành cho những người biết hối cải sau khi gia nhập các tà đạo.

Một số báo đã viết về cuộc trở về này: Công an, Thông tấn xã Việt Nam, Vietnam Plus

Trong các bài báo này trên, ba người hoàn toàn không liên quan đến các hoạt động chống nhà nước hay liên quan đến các tổ chức nước ngoài. Lý do mà họ trốn trong rừng liên tục chín năm liên tục là do sợ bị chính quyền trừng phạt vì họ theo đạo Hà Mòn.

Các tín đồ tôn giáo độc lập ở Tây Nguyên thường trốn vào trong rừng để tránh bị công an truy lùng. Nhiều người sau khi lẩn tránh trong rừng để tìm cách liên hệ với người thân nhằm đưa họ sang Thái Lan hoặc Campuchia để tị nạn. Các dịch vụ đưa người vượt biên khá phổ biến đối với các tín đồ tôn giáo độc lập ở Tây Nguyên.

Báo chí Việt Nam được huy động để phản đối báo cáo quốc tế tôn giáo năm 2019 của Hoa Kỳ

Trong ngày 11/6/2020, hàng loạt các tờ báo Việt Nam đã đăng bài liên quan đến báo cáo quốc tế tôn giáo năm 2019 của Hoa Kỳ.

Các bài viết có thể chia ra làm hai nhóm. Thứ nhất, chỉ dẫn lời phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Thứ hai, khẳng định báo cáo của Hoa Kỳ sai sự thật, xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

Báo Dân tộc và Phát triển, một cơ quan của  Ủy ban Dân tộc – Diễn đàn của đồng bào các dân tộc Việt Nam, đã cho rằng báo cáo của Hoa Kỳ là vu cáo, đưa những thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Báo cho rằng những báo cáo như vậy nhằm phục vụ cho mục đích lật đổ nhà nước của “các thế lực thù địch”.

Báo Thời Nay, một ấn phẩm của báo Nhân Dân, nói rằng Hoa Kỳ “thiếu logic” khi công bố báo cáo về tôn giáo ở Việt Nam mà không tập trung vào dịch COVID-19 đang lan tràn ở Mỹ và “các hệ lụy tiêu cực xảy ra từ sự kiện người da mầu G. Floyd”.

Bài báo của Thời Nay còn cho rằng báo cáo của Hoa Kỳ không phân biệt được “bản chất giữa người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo với người lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín, dị đoan, chống phá chính quyền”.

Một thánh thất Cao Đài độc lập ở tỉnh Phú Yên bị uy hiếp

Theo RFA, vào sáng ngày 18/6/2020, các tín đồ Cao Đài độc lập của Thánh thất Hiếu Xương tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã cố gắng bảo vệ thánh thất của mình trước ý đồ chiếm giữ của các tín đồ Cao Đài có đăng ký.

Một hình ảnh về cuộc tranh chấp Thánh thất Hiếu Xương vào ngày 18/6/2020. Ảnh: Facebook Công Danhboy.

Các tín đồ Cao Đài độc lập nói với RFA rằng có khoảng 60 tín đồ Cao Đài có đăng ký đi cùng công an đã đến ngôi thánh thất được xây từ năm 1964 của họ.

RFA dẫn lời của Chánh trị sự Nguyễn Hà của Thánh thất Hiếu Xương rằng các tín đồ Cao Đài có đăng ký mang Huấn lệnh cai quản đến để chiếm giữ thánh thất.

Các tín đồ của Thánh thất Hiếu Xương đóng cổng không cho các tín đồ có đăng ký chiếm thánh thất, đến 11 giờ cùng ngày nhóm người này đã rời đi.

Chánh trị sự Cao Văn Minh, người đang cai quản thánh thất này nói với đài RFA rằng ông chỉ muốn thánh thất mình được độc lập tu hành.

Thánh thất Hiếu Xương là một trong những thánh thất độc lập còn lại sau năm 1975 không chấp nhận gia nhập khối Cao Đài đã được nhà nước công nhận. Những ngôi thánh thất độc lập như vậy thường xuyên đối diện với sự sách nhiễu của chính quyền và khối Cao Đài đã được công nhận. Hiện nay, chưa có các thống kê số lượng các thánh thất độc lập của đạo Cao Đài đang hoạt động.

Một hiệu trưởng trường trung học phổ thông bị cắt hết chức vụ đảng vì tập Pháp Luân Công cùng với những người khác tại nhà

Vào cuối tháng 6/2020, báo chí Việt Nam đưa tin ông Trần Hữu Dực, 41 tuổi, hiệu trưởng một trường học ở tỉnh Quảng Trị vì liên quan đến Pháp Luân Công.

Ông Trần Hữu Dực. Ảnh: Trung học phổ thông Cửa Tùng.

Theo báo Giao Thông, công an tỉnh Quảng Trị đã báo cáo với Huyện ủy Vĩnh Linh sau khi phát hiện ông Dực phổ biến Pháp Luân Công và tập luyện Pháp Luân Công ở nhà cùng với những người khác tại nhà của ông.

Sau đó, thường vụ huyện ủy đã yêu cầu ông không được tụ tập người tại nhà và không phát tán các tài liệu của Pháp Luân Công.

Ngày 15/5/2020, ông Dực đã xé biên bản làm việc với Huyện ủy Vĩnh Linh. Tiếp đến, ông Dực cũng trả lại biên bản kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm cho Huyện ủy Vĩnh Linh. Sau những hành động phản đối của ông Dực, Huyện ủy đã quyết định cắt hết chức vụ trong đảng của ông trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xử lý kỷ luật ông.

Từ tháng 3/2020, sau khi Ban Tôn giáo Chính phủ thông báo cho các địa phương cần giám sát chặt chẽ những ai lợi dụng dịch COVID-19 để tuyên truyền tôn giáo bất hợp pháp. Ngay sau thông báo này và cho đến tháng 5/2020, công an ở các địa phương đã bắt ít nhất 23 người phổ biến Pháp Luân Công.

Báo nhà nước cảnh báo hai giáo phái chưa đăng ký ở Việt Nam về hoạt động của họ

Vào đầu tháng 6/2020, trang tin tức của Đài Tiếng nói Việt Nam đã đưa tin rằng đang có nhiều giáo phái Tin Lành hoạt động bất hợp pháp ở Việt Nam.

Bài viết tập trung vào hai giáo phái có nguồn gốc từ Hàn Quốc là Tân Thiên Địa Hội và Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ. Bài báo cho rằng đây là hai tổ chức tôn giáo hoạt động lén lút, gây mất ổn định trật tự xã hội ở Việt Nam, và phá hủy những truyền thống về gia đình và xã hội.

Bài báo cũng cảnh báo người dân không nên tham gia các hoạt động của hai giáo phái này.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an) nói rằng Việt Nam đang có khoảng 70 tổ chức Tin Lành chưa được cấp đăng ký hoạt động với khoảng 200.000 tín đồ.

Tranh chấp đất đai giữa Giáo xứ Đồng Đinh và chính quyền tỉnh Ninh Bình

Cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2020, giáo dân của Giáo xứ Đồng Đinh, huyện Nho Quan cho rằng chính quyền địa phương và tỉnh Ninh Bình đã lừa không trả lại đất mà họ đã giao cho chính quyền để chính quyền giao lại cho giáo xứ.

Theo thông tin từ Giáo xứ Đồng Đinh, vào đầu năm 2019, giáo xứ đã trao đổi với chính quyền địa phương về nhu cầu mở rộng diện tích đất cho giáo xứ.

Đến tháng 4/2019, 12 hộ dân có đất liền kề với giáo xứ đã đồng ý hiến cho giáo xứ khoảng 4,5 hecta đất canh tác nông nghiệp liền kề với phần đất của nhà thờ.

Khu đất lớn đánh dấu bằng đường kẻ màu đỏ là phần đất 4.569 mét vuông mà 12 hộ dân hiến cho Giáo xứ Đồng Đinh để mở phần đất của giáo xứ nhỏ hơn trong đường kẻ màu cam. Ảnh: Giáo xứ Đồng Đinh.

Ngày 22/5/2019, Giáo xứ Đồng Đinh đã gửi đơn xin mở rộng giáo xứ ra phần đất mà 12 hộ dân đã hiến cho giáo xứ đến các cấp UBND tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Nho Quan, UBND xã Hữu Thường.

Đến tháng 9/2019, đại diện của Mặt trận Tôn giáo vận huyện Nho Quan đã hướng dẫn 12 hộ dân làm đơn trả lại đất cho chính quyền để chính quyền tỉnh cấp phần đất này lại cho Giáo xứ Đồng Đinh.

Vào ngày 28/5/2020, chính quyền xã Hữu Thường đã cho công nhân vào khu đất của 12 hộ dân hiến cho Giáo xứ Đông Đinh đo đạc và tuyên bố sẽ làm bờ đê chống lũ, vị trí con đê sẽ ở giữa phần đất hiện tại của Giáo xứ Đông Đinh và đất của 12 hộ dân hiến cho giáo xứ.

Đường gạch màu hồng là vị trí mà chính quyền xã dự định xây một con đê ngăn lũ. Ảnh: Giáo xứ Đồng Đinh.

Ngày 29/5/2020, các giáo dân đã quyết định rào phần đất mà họ mà hiến cho giáo xứ bằng lưới thép, đặt bảy tượng thánh, chúa ở nhiều nơi khác nhau nhằm không cho người khác xâm nhập vào.

Sau đó, chính quyền, Giáo xứ Đồng Đinh và các giáo dân đã đối thoại nhưng chưa công bố kết quả.

Rừng cây của Đan viện Thiên An bị kẻ lạ xâm nhập

Vào ngày 12/6/2020, Đan viện Thiên An công bố rằng đã có người xâm nhập vào khu rừng của đan viện để chặt phá cây cối tại khu vực rừng thông của đan viện.

Các bụi tre bị lén lút chặt hạ trong phần đất của đan viện. Ảnh: Đan viện Thiên An.

Các đan sĩ đã ngăn chặn được những người chặt phá nhưng không biết ai là người tổ chức việc này. Nhiều cây cối lâu năm đã bị cưa hạ trong khu vực rộng 1 hecta nhưng cố tình không để cho cây đổ mà để cây từ từ chết.

Một cây thông mà đan viện ước tính khoảng hơn 60 tuổi bị cưa sâu vào bên trong để cây tự chết. Ảnh: Đan viện Thiên An.

Đan viện Thiên An chính thức được xây dựng vào năm 1943 trên phần đất ngày nay rộng khoảng hơn 107 hecta gồm đất, nhà và rừng thông thuộc sở hữu của đan viện, tọa lạc ở xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Trong hơn 20 năm qua, Đan viện Thiên An và chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có tranh chấp về việc sử dụng đất của đan viện. Những sự việc như cháy rừng, có kẻ khác xâm nhập, chính quyền sách nhiễu đan sĩ… đã liên tiếp xảy ra trong nhiều năm qua.

Vào tháng 4/2019, khoảng hơn 10 hecta rừng thông của đan viện bị thiêu cháy trong một đêm. Theo đan viện, khu vực bị cháy chỉ cách lâm trường Tiền Phong khoảng 200 mét nhưng không có ai báo cháy.

Bạn có biết

Vẫn còn các thánh thất Cao Đài độc lập bị uy hiếp trong nhiều năm qua

Nhiều thập kỷ qua, các thánh thất Cao Đài độc lập đã sinh hoạt trong lo âu vì không biết ngày nào thánh thất của họ sẽ bị “Cao Đài quốc doanh” chiếm giữ.

Đạo Cao Đài được nhà nước công nhận là tôn giáo vào năm 1997. Từ đó, một chi phái mới được lập ra để điều hành tôn giáo này được gọi là “Chi phái 1997” hay “Cao Đài quốc doanh”. Cũng từ đó, những tín đồ Cao Đài độc lập trong và ngoài nước đã chỉ trích Chi phái 1997 do nhà nước điều hành để kiểm soát đạo Cao Đài.

Vụ việc ở Thánh thất Hiếu Xương ở trên chỉ là một trong những vụ việc xảy ra hàng năm khi Chi phái 1997 cùng cán bộ địa phương muốn thâu tóm các thánh thất Cao Đài độc lập.

Đầu năm 2020, một thánh thất Cao Đài độc lập ở tỉnh Bến Tre trong lúc đang cử hành nghi lễ thông thường thì bị cán bộ địa phương và chính quyền đến để làm việc. Các tín đồ Cao Đài độc lập xem đó là hành vi sách nhiễu nên từ chối làm việc.

Năm 2017, các tín đồ độc lập thuộc Thánh thất Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bị chính quyền đến sách nhiễu khi họ đang chuẩn bị cho một nghi lễ của mình. Cùng năm, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã sách nhiễu các tín đồ Cao Đài độc lập ở huyện Tam Nông và lấy thánh thất của họ để giao lại cho Chi phái 1997. Các tín đồ ở huyện Tam Nông bị chính quyền thuyết phục họ tuân theo Chi phái 1997.

Năm 2015, một gia đình Cao Đài độc lập ở tỉnh Tây Ninh nói với đài RFA rằng họ bị người của Chi phái 1997 hành hung khi gia đình tổ chức một buổi lễ tại gia có sự tham gia của các tín đồ Cao Đài độc lập khác. Gia đình đã báo chính quyền nhưng không được can thiệp.

Năm 2012, theo RFA, các tín đồ Cao Đài độc lập của Thánh thất Phù Mỹ ở tỉnh Bình Định nói rằng họ bị các tín đồ “quốc doanh” hành hung làm sáu tín đồ của họ bị thương. Theo các tín đồ độc lập, lực lượng công an có mặt nhưng không can thiệp.

Hình ảnh về vụ xô xát xảy ra giữa các tín đồ của Thánh thất Phù Mỹ và các tín đồ “quốc doanh” tại tỉnh Bình Định vào ngày 16/9/2012. Ảnh: DVOV/BPSOS.

Theo tổ chức BPSOS, các vụ tranh chấp này nằm trong kế hoạch của Chi phái 1997 với mục đích gia tăng sự kiểm soát lên các tín đồ Cao Đài độc lập, ép các tín đồ này phải thuần phục Chi phái 1997.

Hiện nay, chưa có thống kê chính xác và cập nhật về số lượng các thánh thất Cao Đài độc lập và tình trạng tranh chấp với Chi phái 1997.

Chúng tôi hy vọng có thể sớm thu thập thông tin về các thánh thất Cao Đài độc lập trong thời gian tới. Mọi thông tin xin gửi về tongiao@luatkhoa.org.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.