Phân cực chính trị: Từ Hoa Kỳ đến Việt Nam

Phân cực chính trị: Từ Hoa Kỳ đến Việt Nam
Ảnh: hbr.org.

Những người tham gia ngồi trước màn hình máy tính.

Họ được phân loại ngẫu nhiên với một nhiệm vụ khá đơn giản: xếp các cụm từ kích thích tích cực như “Tuyệt vời”, “Hoàn hảo”, “Siêu cấp”… vào khung “Đảng Cộng hòa – Republican”; và các cụm từ tiêu cực như “Kinh khủng”, “Tồi tệ”… vào khung “Đảng Dân chủ – Democrat”.

Sau đó họ được yêu cầu làm ngược lại.

Những tính từ nói trên sẽ hiện nhanh trên màn ảnh, và người tham gia được hướng dẫn sắp xếp chúng một cách nhanh nhất và chính xác nhất có thể.

Theo hai nhà tâm lý học Shanto Iyenar đến từ Đại học Stanford và Sean J. Westwood đến từ Đại học Princeton, thời gian thực hiện những tác vụ trên có thể cân đo đong đếm những thành kiến tiềm ẩn của một cá nhân không chỉ về quan điểm chính trị nói chung, mà còn về hiện thực phân cực chính trị (political polarisation) nói riêng.

Để có một hệ quy chiếu cụ thể, những người tham gia cũng được yêu cầu làm một bài kiểm tra khác tương tự, nhưng lần này thay vì là Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, người ta đưa ra hai khung: “Người Mỹ gốc Phi da đen” và “Người Mỹ gốc Âu da trắng”.

Kết quả khiến cả hai nhà nghiên cứu sửng sốt:

Mức độ thành kiến chính trị tiềm ẩn dựa trên ý thức hệ và đảng phái chính trị nặng và sâu hơn rất nhiều so với mức độ thành kiến sắc tộc. Điều này khiến cả hai đi đến kết luận rằng phân cực đảng phái – chính trị nay đã vượt qua các phân cực định kiến liên quan đến sắc tộc.

Vào năm 2014, đây là một phát hiện chấn động.

Niềm tin chính trị trở thành căn tính xã hội của một cá nhân, và tương tự như sắc tộc ngày xưa, cho phép chúng ta tin rằng những người cùng quan điểm chính trị với chúng ta là đạo đức, là văn minh – còn những kẻ khác biệt là bọn bại hoại “bất hảo”.

Càng nguy hiểm hơn, xã hội loài người chưa tồn tại một chuẩn mực pháp lý hay chuẩn mực xã hội nào ngăn chặn – bài trừ những hành vi phân biệt đối xử hay định kiến dành cho một người chỉ dựa trên ý thức hệ của họ, khác với hành vi phân biệt chủng tộc vốn đã bị lên án là sai trái hàng thập kỷ nay.

Trên thực tế, chúng ta thường ca tụng, tán dương, nhiệt liệt hưởng ứng khi những “anh hùng chính trị” của chúng ta tấn công, trừng trị, hay tiêu diệt các đối thủ của họ.

Biểu đồ khảo sát về tình trạng phân cực chính trị ở Mỹ qua các thời kỳ. Nguồn: Pew Research.
Biểu đồ khảo sát về tình trạng phân cực chính trị ở Mỹ qua các thời kỳ. Nguồn: Pew Research.

***

Nhưng phân cực chính trị là gì? Và nó từ đâu ra?

Hiểu một cách đơn giản thì phân cực chính trị là khi thói tư duy “ta – họ” trong các thảo luận chính trị trở nên cực đoan, biến thành “ta – địch”. Người ta không thảo luận một chính sách, một đạo luật dựa trên cái gốc, cái nền của vấn đề… mà thay vào đó dựa trên những nhãn mác chính trị của một con người.

“Cộng hòa” – “Dân chủ”

“Nhà nước” – “Phản động”

“Cộng sản” – “Tư bản”

Thay vì thảo luận và cho phép phe đối lập thảo luận cùng mình những vấn đề chính sách mấu chốt để tìm ra một lời giải chung, phân cực chính trị khiến môi trường chính trị trở nên độc hại, thiếu tính xây dựng, với hàng ngàn người đặt câu hỏi nhưng không ai tìm câu trả lời.

Như vậy, phân cực chính trị không giống với những bất đồng hay tranh cãi chính trị thông thường. Phân cực chính trị là khi những người không cùng quan điểm chính trị với nhau trở nên cực đoan và thiếu lý tính khi đối diện với nhau.

Việc bạn và hàng xóm nhà bạn không cùng ủng hộ một quan điểm chính trị là bình thường, là cần thiết cho một nền dân chủ lành mạnh.

Nhưng việc bạn không chấp nhận sống cạnh hàng xóm, nguyền rủa họ xuống chầu Diêm Vương sớm, cạnh khóe đời sống cá nhân hay mong muốn chính quyền bắt  bớ hay xử lý họ quách cho xong chỉ vì họ thích một nhân vật chính trị nào đó, dù có đứng về phe chân lý hay không, thì chính bản thân bạn cũng đang trở thành một phần của thực tế phân cực chính trị quốc gia.

Được chủ nghĩa bộ tộc (tribalism) dung dưỡng, phân cực chính trị đẩy các nhóm ý thức hệ khác nhau vào “cuộc đua về không”, nơi khó mà có ai chiến thắng.

Tại Hoa Kỳ, nghiên cứu có tên gọi Hidden Tribes: A Study of America’s  Polarized Landscape của dự án More in Common cố gắng làm nổi bật những vấn đề mà toàn bộ hệ thống chính trị, báo chí, truyền thông Hoa Kỳ đang khiến cho tình hình phân cực tại quốc gia ngày càng trở nên ngoài tầm kiểm soát.

Bằng việc khảo sát một số lượng mẫu có kiểm soát phù hợp, nhóm nghiên cứu cho thấy có đến ¾ người Mỹ đồng ý rằng một quy trình kiểm soát súng chặt chẽ hơn là cần thiết. Cũng tỷ lệ tương tự cho rằng họ đồng tình với việc cho thiết lập một quy trình nhập tịch cho những người bị mang đến lãnh thổ Hoa Kỳ khi còn là trẻ em. Họ cũng đi đến kết luận rằng hầu hết người Mỹ đều nhận định những khác biệt của họ không nghiêm trọng đến mức họ không thể ngồi lại và nói chuyện với nhau.

Phân tích một đề xuất chính sách chỉ dựa trên những con số, định hướng, hiệu quả và lợi ích theo thống kê nhàm chán sẽ nhanh chóng giúp đề xuất ấy nhận được sự ủng hộ phi đảng phái (bipartisan support).

Song kể cả cử tri lẫn các nhà lập pháp, các chính trị gia Hoa Kỳ ở cả hai phe ít khi trình bày một chính sách nhàm chán như nó vốn là.

Họ dán nhãn, vận động, quảng bá các chính sách như thể chúng là một sản phẩm độc nhất vô nhị của chính đảng đó,

là nền tảng của đạo đức,

là ơn mưa móc mà chỉ có chính đảng đó có thể ban cho người dân…

Dưới những ngôn ngữ như vậy, phân cực chính trị tự nhiên trở thành một thói quen “chúng ta – chúng nó” mà không cần quá nhiều tâm sức chia rẽ, đầu cơ.

Hà Nội mùa dịch, ngày 8/4/2020. Ảnh: MANAN VATSYAYANA / AFP.
Hà Nội, ngày 8/4/2020. Ảnh: MANAN VATSYAYANA / AFP.

***

“Thật quá may mắn!” Có bạn đọc ắt hẳn tự nói.

Việt Nam làm gì có chính đảng nào khác ngoài Đảng Cộng sản? Vậy sợ gì phân cực với chả phân chia chính trị? Diễn ngôn chính trị của Đảng Cộng sản là lời nói chính thức, là quan điểm cuối cùng trong mọi cuộc thảo luận – thế thì có gì phải lo?

Tuy nhiên, người viết cho rằng tự thân sự vận hành của nhà nước đơn đảng của Việt Nam đã là một hiện thực thực tế của phân cực chính trị lên đến đỉnh điểm.

Tôi từng phải viết báo cáo nhỏ về một nữ phóng viên từng làm việc cho một tờ báo nhà nước địa phương nhưng sau đó nghỉ việc vì các bất đồng chính kiến với lãnh đạo. Chị sau đó tham gia ủng hộ (bằng các bài viết online của mình) các phong trào dân sự quốc gia như các cuộc biểu tình liên quan đến Dự thảo Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng; nêu lên quan điểm của mình trong vài vấn đề chính trị của đất nước.

Khác hẳn với các KOLs (Key Opinion Leaders), các bài viết của chị chỉ đến với một số lượng rất nhỏ bạn đọc, không có quá nhiều ảnh hưởng lên hệ thống chính trị quốc gia hay địa phương. Tuy nhiên, chị vẫn bị công an bắt và bỏ tù.

Đáng ngạc nhiên hơn là ngay sau khi chị bị bắt, một lực lượng lớn các cá nhân tìm đến tài khoản Facebook của chị để nhục mạ, chửi bới.

“Vồ được mày rồi con chó cái!”

“Ở trong tù mà chống phá nhà nước nhé con đ*!”

Cho đến nay, chúng vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những bình luận khá ám ảnh mà tôi từng đọc liên quan đến ngôn từ và thái độ mà người trưởng thành Việt có thể dành cho một người phụ nữ có chính kiến khác với mình.

Các thảo luận chính trị trên dải đất hình chữ S hiện nay dường như không có sự tồn tại của phân cực chính trị, đơn giản vì chỉ một phe sở hữu quyền lực tuyệt đối trong việc sỉ nhục và đàn áp tất cả các tiếng nói còn lại, dù ở mặt ngôn luận hay quyền năng bạo lực.

Hiện trạng này dẫn đến hai vấn nạn lớn.

Một là chính nhóm tiếng nói chiếm ưu thế ngày càng trở nên cực đoan. Họ tự cho rằng lý tưởng và quan điểm của mình, trong mọi hoàn cảnh chính trị – lịch sử – khoa học, là không thể sai, là đạo đức, là văn minh, là đại diện cho lợi ích dân tộc. Vị thế “thượng đẳng đạo đức” này càng được chính quyền củng cố, khi mà mọi quan điểm không phù hợp với góc nhìn của nhóm này đều bị trừng phạt, dù bằng công cụ hành chính hay hình sự.

Hai là thói quen thảo luận, học tập các góc nhìn mới hay thói quen thỏa hiệp đã quá lâu không tồn tại trong văn hóa chính trị Việt Nam. Nhóm tiếng nói yếu thế luôn phải trong vị thế phòng vệ. Không có các kênh truyền thông hay thảo luận chính thống, họ buộc phải trở nên hung hăng và bảo thủ hơn đối với các quan điểm của mình. Họ biết rằng nếu không là họ, không chủ thể nào sẽ bảo vệ tầm nhìn của họ trong tương lai.

Và ngược lại, nhóm tiếng nói ủng hộ chính quyền cùng vị thế “thượng đẳng đạo đức” cũng ngày càng trở nên hung hăng và bảo thủ hơn, không phải vì họ không có đồng minh, mà vì quan điểm của họ biến thành một thứ tôn giáo nhất nguyên, trong khi những quan điểm không thuận tai dần bị coi thường là bọn ngoại đạo dị giáo.

***

Đến đây có thể thấy Hoa Kỳ, dù phân cực chính trị đến mức nào đi chăng nữa, vẫn còn đường lui.

Dù thế hệ ngày nay có cảm nhận như thế nào về sự phân cực chính trị tại Hoa Kỳ, nền chính trị của họ đã từng tệ hơn thế rất nhiều. Trong một bài bình luận của cây bút Russel Berman trên tờ The Atlantic, ông cho rằng chính trị Hoa Kỳ đã từng phân cực và tồi tệ hơn những gì đang diễn ra hiện nay rất nhiều.

Fan của vở nhạc kịch Broadway lừng danh Hamilton vẫn thường được nhắc nhở rằng bộ trưởng tài chính đầu tiên của Hoa Kỳ – Alexander Hamilton – chết vì đấu súng tay đôi với Phó Tổng thống đương nhiệm Aaron Burr vào năm 1804.

Hay các thảo luận về chế độ nô lệ vào giữa thế kỷ 19 tại quốc gia này cũng đẩy Thượng viện Hoa Kỳ thành… sàn đấu của nhiều nghị viên.

Đặc biệt hơn, trong thập niên 1960 và 1970, các vấn đề liên quan đến phân biệt sắc tộc và chiến tranh Việt Nam dường như luôn đẩy Hoa Kỳ đến ngưỡng bùng nổ.

So sánh sự phân cực chính trị của Hoa Kỳ trong những thời khắc lịch sử nói trên với vài thảo luận “đứt tay, trầy chân” hiện nay quả thật không có nghĩa lý gì.

Thêm vào đó, các công cụ, văn hóa và quan trọng nhất là hệ thống xã hội dân sự để đẩy mạnh và khôi phục lại những thảo luận và bất đồng chính trị tích cực vẫn còn đó. Sách vở, báo chí, hệ thống nghiên cứu khoa học xã hội, các tổ chức thăm dò dư luận, các viện nghiên cứu, các tổ chức cộng đồng… luôn sẵn sàng hoạt động, hợp tác vì lợi ích chung, tiếng nói chung.

Ngược lại, Việt Nam chúng ta có gì để thảo luận, thỏa hiệp hay tìm kiếm sự tương đồng?

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.