Vì sao Ban Tôn giáo Chính phủ đi khắp nơi tặng hơn 7.000 lá cờ tổ quốc?

Có lẽ không phải vì những nơi được tặng không có tiền mua cờ.

Vì sao Ban Tôn giáo Chính phủ đi khắp nơi tặng hơn 7.000 lá cờ tổ quốc?
Bà Trần Thị Minh Nga (áo đen) – Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ tặng cờ tổ quốc cho đại diện Giáo hội Phật giáo Nam tông Khmer tại khu vực Nam Bộ, ngày 17/12/2020. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Ngày 11/9/2020, Ban Tôn giáo tỉnh Kiên Giang ra văn bản yêu cầu các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng treo cờ tổ quốc tại nơi thờ tự. Bảy ngày sau đó, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đến tỉnh này làm lễ trao tặng 500 lá cờ cho các tổ chức đạo Cao Đài. Ngày hôm ấy, trên dưới 100 chức sắc từ các tổ chức Cao Đài đã tham dự một buổi lễ long trọng chỉ để nhận những lá cờ này.

Trước khi trao cờ tại tỉnh Kiên Giang, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao hơn 3.000 lá cờ tổ quốc cho giáo dân ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Trị.

Phong trào vận động treo cờ tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo là ý tưởng của Ban Tôn giáo Chính phủ. Phong trào này được phát động từ tháng 6/2020. Trong sáu tháng tiếp theo, ban này đã đến khoảng sáu tỉnh, thành để tặng hơn 7.000 lá cờ tổ quốc cho một số tổ chức tôn giáo [1]. Phong trào mang nặng tính hình thức, tốn kém này có vẻ như chỉ mới bắt đầu.

Vận động treo cờ hay kiểm tra tư tưởng?

Khi phát động phong trào treo cờ, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, nói rằng việc treo cờ tổ quốc là “truyền thống văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân và lòng quyết tâm đoàn kết xây dựng và bảo vệ tổ quốc của các giai tầng xã hội, các tôn giáo với dân tộc”.

Những ngôn từ đẹp đẽ trên có thể không phải là lý do thật sự của phong trào này.

Bà Trần Thị Minh Nga (bên phải), đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, trao cờ tổ quốc cho các tổ chức hoạt động đạo Cao Đài tại Kiên Giang vào ngày 21/9/2020. Ảnh: UBND tỉnh Kiên Giang.

Trong bài phát biểu tại tỉnh Kiên Giang, bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, đã nhắc nhở các chức sắc Cao Đài phải treo cờ tổ quốc đúng theo quy định của nhà nước.

Tuy nhiên, việc tổ chức những buổi lễ tặng cờ rườm rà không chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở treo cờ đúng theo quy định của nhà nước. Phong trào này đang được các ban tôn giáo tỉnh thực hiện một cách rất nghiêm túc.

Ban Tôn giáo tỉnh Kiên Giang đã đề ra kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa phong trào treo cờ của Ban Tôn giáo Chính phủ. Kế hoạch của tỉnh Kiên Giang đã đi xa hơn những gì mà Ban Tôn giáo Chính phủ đã tuyên bố.

Trong đó, bản kế hoạch có mục vận động các tổ chức tôn giáo treo cờ tổ quốc để “nắm bắt tư tưởng, thái độ của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, của người đại diện các cơ sở tín ngưỡng”.

Kế hoạch của tỉnh Kiên Giang được nêu là hướng dẫn tổ chức tôn giáo treo cờ tổ quốc theo Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, tỉnh này đã yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải treo cờ không chỉ trong các ngày lễ quốc gia theo Hướng dẫn 3420 mà còn trong các đại hội, hội thảo, hội nghị của các tổ chức tôn giáo (vốn không có trong Hướng dẫn 3420).

Kế hoạch của tỉnh Kiên Giang cũng nói rằng sẽ khuyến khích các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng treo cờ tổ quốc hàng ngày. Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang sẽ là đơn vị xuất tiền mua cờ trước tiên, có nghĩa là tiền mua cờ từ tiền thuế của nhân dân. Đồng thời, tỉnh này sẽ kiểm tra việc treo cờ tại các cơ sở thờ tự mỗi sáu tháng một lần.

Ở tỉnh Hà Nam, Công an thị xã Duy Tiên là đơn vị trực tiếp đi kiểm tra việc treo cờ tại các cơ sở tôn giáo vào tháng 8/2020. Theo thông báo của công an thị xã, tất cả 84 ngôi chùa đều treo cờ tổ quốc, nhưng chỉ có 29 trong tổng số 43 nhà thờ Công giáo làm theo yêu cầu này.

Giáo kỳ, quốc kỳ, và mâu thuẫn đẫm máu thời Ngô Đình Diệm

Các tôn giáo rất nhạy cảm với vấn đề giáo kỳ và quốc kỳ. Những lá cờ đã từng liên quan đến một cuộc tranh chấp dẫn đến đổ máu trong lịch sử Việt Nam, làm xáo động cả một nền chính trị.

Vào dịp Phật Đản năm 1963, tín đồ Phật giáo ở Huế đã có một dịp lễ đi vào lịch sử.

Trước ngày Phật Đản 8/5/1963, giáo kỳ của Phật giáo ở những nơi công cộng đã bị lính quốc gia đến gỡ xuống. Tối hôm sau, Đài Phát thanh Huế không phát chương trình về Phật giáo và Phật tử. Những sự kiện này đã làm bùng phát cuộc đụng độ lớn giữa các Phật tử và cảnh sát. Tám thường dân đã chết trong cuộc đụng độ này.

Những cái chết ở Huế đã dẫn đến hàng loạt các động thái yêu cầu chính phủ Ngô Đình Diệm đối xử bình đẳng với Phật giáo.

Biểu tình đòi chính phủ Ngô Đình Diệm thỏa mãn 5 nguyện vọng của các đoàn thể Phật giáo. Ảnh tư liệu/ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các đoàn thể Phật giáo đã đệ trình lên chính phủ những nguyện vọng của họ. Liên quan đến việc treo cờ, các đại diện Phật giáo khi ấy đã tuyên bố:

“Nguyện vọng của chúng tôi dựa trên quan điểm quốc kỳ hết sức trọng đại, các cơ quan tôn giáo và mọi tư gia đều phải và chỉ treo lên trong những ngày đại lễ của quốc gia, còn giáo kỳ dẫu sao cũng chỉ là của một tôn giáo nên chỉ được treo lên tại cơ quan tôn giáo và tư gia tín đồ.” [2]

Cao trào của cuộc đấu tranh này là việc Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn vào ngày 11/6/1963.

Sau sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, chính quyền đã cùng đại diện của Phật giáo ra một thông cáo chung, trong đó có quy định cụ thể về việc treo giáo kỳ và quốc kỳ.

Theo đó, trong các ngày lễ quốc gia thì các tổ chức tôn giáo chỉ treo cờ quốc gia. Còn trong các ngày lễ Phật giáo thì huyền môn, cổng chùa, cột lớn giữa sân chùa treo cờ quốc gia bên phải, giáo kỳ Phật giáo bên trái nhỏ hơn 2/3 cờ quốc gia; mặt tiền và bên trong chùa chỉ treo cờ Phật giáo; lễ đài và các đám rước có treo cờ quốc gia và cờ Phật giáo; tại tư gia Phật tử treo hai cờ trước nhà, trong nhà chỉ treo cờ Phật giáo. [3]

Như vậy, trước năm 1975, các nhà sư, Phật tử miền Nam đã đổ máu cho quyền bình đẳng tôn giáo, trong đó có việc thương lượng rất rõ ràng về quy định treo giáo kỳ và quốc kỳ. Theo đó, quốc kỳ chỉ được treo trong ngày lễ quốc gia và lễ Phật giáo. Không có quy định treo quốc kỳ trong các dịp đại hội, hội nghị, hội thảo của các tổ chức tôn giáo, hay khuyến khích treo quốc kỳ hàng ngày như việc làm của Ban Tôn giáo tỉnh Kiên Giang mới đây.


Chú thích:

[1] Ban Tôn giáo Chính phủ đã tặng ít nhất 7.670 lá cờ từ tháng 6/2020 đến hết tháng 12/2020: 500 lá cờ (Bà Rịa – Vũng Tàu), 3000 lá cờ (Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị), 500 lá cờ (Kiên Giang), 600 lá cờ (Bến Tre), 1000 lá cờ (Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam), 570 lá cờ (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa), 500 lá cờ (các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer), 1000 lá cờ (Hội thánh Tin Lành Việt Nam).

[2] Phật giáo tranh đấu, Quốc Oai, 1963, trang 37.

[3] Phật giáo tranh đấu, trang 75.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.