Làn sóng truyền bá các tôn giáo mới của Hàn Quốc vào Việt Nam

Các nhóm tôn giáo đến trong âm thầm và đều bị lùng sục gắt gao.

Làn sóng truyền bá các tôn giáo mới của Hàn Quốc vào Việt Nam
Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

Hàn Quốc không chỉ nổi tiếng với âm nhạc, phim ảnh, các thương hiệu công nghệ và tiêu dùng, mà còn được biết đến nhiều về tôn giáo, mà đặc biệt là đạo Tin Lành.

Đất nước với thu nhập bình quân đầu người gấp chín lần Việt Nam đang có số người theo đạo Tin Lành áp đảo, đứng nhất châu Á. Cứ năm người Hàn Quốc thì có một người theo đạo Tin Lành. [1]

Bên cạnh đó là sự bành trướng của các phong trào tôn giáo mới, trong đó có Hội thánh Đức Chúa Trời, một trong những phong trào tôn giáo mới lớn nhất của Hàn Quốc.

Tham vọng của Hàn Quốc là sẽ có 100.000 nhà truyền giáo toàn thời gian đến các nước để truyền đạo. Việt Nam là một trong những điểm đến của họ. [2]

Chính quyền Việt Nam: Kiểm soát chặt chẽ các tôn giáo Hàn Quốc

Năm 2020, chính quyền Việt Nam cho biết trong 80 tổ chức Tin Lành đang hoạt động thì có đến 70 tổ chức hoạt động “chui”, bất hợp pháp. [3]

Các tổ chức bất hợp pháp này có nguồn gốc từ nước ngoài, và thu hút đến 200.000 tín đồ Việt Nam. Chính quyền rất lo ngại các hội thánh đến từ Hàn Quốc vì họ có nhiều cách qua mặt chính quyền để thu nhận tín đồ.

Ví dụ như Hội thánh Tân Thiên Địa (New Heaven and New Earth) được thành lập năm 1984 tại Hàn Quốc, đã mở các trung tâm dạy ngoại ngữ tại Việt Nam để lồng ghép việc truyền đạo trong những lớp học này. [4]

Việt Nam hiện nay chưa công nhận bất kỳ tổ chức Tin Lành nào của Hàn Quốc. Các nhóm Tin Lành Hàn Quốc phải dựa vào Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) để mở điểm sinh hoạt tôn giáo khiêm tốn.

Vì sao đạo Tin Lành bùng nổ tại Hàn Quốc?

Đạo Tin Lành tại Hàn Quốc bùng nổ song song với thời kỳ phát triển kinh tế mạnh mẽ của nước này.

Từ những năm 1960 nhiều nhà thờ phương Tây đổ tiền vào các nhà thờ ở Hàn Quốc, người Hàn tin rằng trở thành một tín đồ Tin Lành có thể giúp họ trở nên giàu có giống như người Mỹ. [5]

Bên cạnh đó, đạo Tin Lành dễ chiếm tình cảm của người Hàn vì không mang lại cảm giác bị đô hộ hay xâm lược như đạo Phật từ Trung Quốc và Thần đạo của Nhật Bản.

Các mục sư Tin Lành cũng là những người thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc, kêu gọi độc lập, quyền tự chủ cho đất nước, nên dễ lấy được cảm tình từ các tín đồ.

Từ 1,6 triệu tín đồ vào năm 1950, số tín đồ Tin Lành tại Hàn Quốc đã tăng gấp ba lần vào năm 1970, và tiếp tục tăng gần gấp ba lần nữa vào năm 2000 với hơn 14 triệu người. [6]

Thế lực “tôn giáo mới” tại Hàn Quốc

Các nhóm Tin Lành chính thống có thể không phải là vấn đề lớn do khả năng hoạt động của họ dựa trên mức độ chấp nhận của chính quyền Việt Nam.

Các phong trào tôn giáo mới, thường được các tín đồ Tin Lành Hàn Quốc gọi là “tà đạo”, được hoạt động hợp pháp và có cơ sở bề thế tại Hàn Quốc mới, mới là điều gây quan ngại đối với chính quyền Việt Nam.

Các tôn giáo mới tại Hàn Quốc có thể lên đến hàng trăm nhóm khác nhau.

Trong đó, ba phong trào nổi tiếng bắt nguồn từ Cơ Đốc giáo là Nhà thờ Thống nhất (Unification Church), các nhóm có nguồn gốc từ phong trào Cây Ô-liu, và các nhóm tách ra từ Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm - nổi tiếng nhất Hội thánh Đức Chúa Trời đang bị chính quyền Việt Nam săn lùng. [7]

Nhà nghiên cứu tôn giáo người Ý Massimo Introvigne cho rằng các tôn giáo mới tại Hàn Quốc có chung ba đặc điểm là tin vào một đấng cứu thế thường là một người sống, theo thuyết Thiên Niên Kỷ khi tin rằng sẽ có một biến chuyển lớn làm thay đổi hoàn toàn xã hội, và thường đưa ra những chỉ trích cũng như những cải cách về các vấn đề xã hội. [8]

Việt Nam có nên sợ hãi các tôn giáo Hàn Quốc?

Ngày 8/7/2022, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bị một người đàn ông dùng súng tự chế bắn hai phát đạn vào người dẫn đến tử vong. Động cơ vụ ám sát chấn động này liên quan đến một tôn giáo của Hàn Quốc.

Nghi phạm ám sát ông Abe cho rằng cựu thủ tướng là người ủng hộ hoạt động của Nhà thờ Thống Nhất, một phong trào Cơ Đốc giáo được thành lập năm 1956 tại Hàn Quốc, và chính hội thánh này đã làm gia đình anh tan nát sau khi người mẹ ủng hộ hội thánh đến 600.000 USD. [9]

Các chính trị gia của Đảng Dân chủ Tự do từ thời ông nội của ông Abe được cho là đã tiếp tay để Nhà thờ Thống Nhất hoạt động vững chắc tại Nhật Bản, và duy trì mối quan hệ thân thiết với tôn giáo này.

Mối lo ngại về sự phá hoại an ninh xã hội của các tôn giáo mới là điều hoàn toàn hợp lý. Có hàng loạt các vụ việc việc gây chết người có liên quan đến các tôn giáo mới.

Những tôn giáo này thường bị nghi ngờ là thao túng tâm lý tín đồ, ép buộc họ ủng hộ tiền bạc, làm những việc được hội thánh giao phó, gây xung đột trong các gia đình.

Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn không giới hạn quyền tự do tôn giáo sau những vụ việc được cho là có liên quan đến các nhóm tôn giáo. [10] Nước này duy trì các hạn chế về quyền tự do tôn giáo ở mức độ rất thấp, thấp hơn cả Mỹ. Đây có thể xem là một trong những nơi khoan dung nhất đối với các tôn giáo khác nhau.

Các vụ việc gây ra hậu quả được cho là liên quan đến các tôn giáo mới khó có thể được xem là lý do để cấm các nhóm này tiếp tục thành lập và hoạt động.

Thậm chí, nếu các tín đồ tôn giáo đó có gây ra vụ việc nghiêm trọng thì sẽ xét xử theo luật pháp, không thể dựa vào những vụ việc riêng lẻ để cấm hoạt động cả tôn giáo đó.

Quyền tự do tôn giáo cho thấy mức độ tự do nói chung của xã hội. Nếu có thể viện dẫn một lý do nào đó để cấm một tôn giáo hoạt động thì cũng có thể áp dụng cách thức này đối với các hoạt động phi tôn giáo khác trong xã hội.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa là các tôn giáo mới muốn hoạt động ra sao cũng được. Các tôn giáo có quyền tuyên truyền về giáo lý, niềm tin của họ đến mọi người. Và người dân cũng hoàn toàn có quyền chỉ trích, phê phán, lên án, kêu gọi người khác không nên tham gia.

Mấu chốt của vấn đề là việc phán xét về tính đúng đắn của một tôn giáo nên được trả về cho không gian dân sự quyết định. Quyền tự do tôn giáo là quyền tự do lựa chọn của người dân. Chính quyền không có thẩm quyền quyết định thế nào là một tôn giáo đúng đắn.



Hội thánh Đức Chúa Trời có thực sự nguy hiểm như chính quyền mô tả?
Bị cấm vì vượt quá giới hạn cho phép, chứ không hẳn do xuyên tạc giáo lý.
Vì sao chính quyền Việt Nam luôn khắc nghiệt với tôn giáo?
Duy trì một bức tranh tôn giáo dễ kiểm soát, giữ ổn định chế độ.
Cấm cản tôn giáo: Đâu chính, đâu tà?
“Cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa nếu không kính thần minh, không thờ tiên tổ thì rất trái với chính đạo. Những việc trái luân lý, hại phong hóa, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy quy […]

Chú thích

1. Protestant Christianity in Modern Korealocked. (2018, April 26). Asian History. https://oxfordre.com/asianhistory/display/10.1093/acrefore/9780190277727.001.0001/acrefore-9780190277727-e-301

2. Zylstra, S. E. (2019, May 14). Why Christianity quit growing in Korea. The Gospel Coalition. https://www.thegospelcoalition.org/article/christianity-quit-growing-korea/

3. Phong/VOV Vn Q. (2020, June 5). Nhiều tổ chức Tin lành hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam. Báo Điện Tử VTC News. https://web.archive.org/web/20230723031748/https://vtc.vn/nhieu-to-chuc-tin-lanh-hoat-dong-bat-hop-phap-tai-viet-nam-ar550276.html

4. Xem [3].

5. Xem [2].

6. Xem [2].

7. Introvigne, M. (2021). The flourishing of new religions in Korea. Nova Religio, 25(1), 5–13. https://doi.org/10.1525/nr.2021.25.1.5

8. Xem [7].

9. McCurry, J. (2023, January 10). How Shinzo Abe’s murder and his ties to Moonies blindsided Japanese politics. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2023/jan/10/how-shinzo-abe-ties-to-moonies-unification-church-blindsided-japanese-politics

10. Pew Research Center. (2020, May 30). 6 facts about Christianity in South Korea. https://www.pewresearch.org/short-reads/2014/08/12/6-facts-about-christianity-in-south-korea/

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.