Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Những điều chính quyền không muốn bạn biết.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã mở ra nhiều bi kịch cho người dân miền Bắc. Trong số này, các tín đồ tôn giáo, nhất là người theo đạo Tin Lành, phải chịu đựng chính sách hạn chế tôn giáo kéo dài gần 50 năm.
Sau năm 1975, thành tựu của đạo Tin Lành tại miền Nam cũng sụp đổ theo chính quyền Sài Gòn.
Cho đến nay, lịch sử về đạo Tin Lành ở miền Bắc sau năm 1954, và trên cả nước sau năm 1975 là điều chính quyền muốn người dân quên đi. Tuy vậy, cuộc đàn áp đạo Tin Lành vẫn đang diễn ra ở những khu vực của người dân tộc thiểu số sinh sống.
Đạo Tin Lành truyền vào Việt Nam từ năm 1911, muộn hơn Hàn Quốc gần 30 năm. Đến năm 1945, một tôn giáo mới như đạo Tin Lành đã có 15.000 tín đồ, và tăng lên gấp bốn lần vào năm 1954. [1]
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, dù không “tắm máu” tín đồ Tin Lành như chính quyền Triều Tiên đã làm khi ấy, nhưng chính quyền miền Bắc Việt Nam đã khiến tôn giáo này sống một cách thoi thóp.
Sau cuộc di dân vào miền Nam, các số liệu thống kê cho thấy miền Bắc chỉ còn gần một nghìn tín đồ Tin Lành, và một số nhỏ các mục sư và truyền đạo sư. [2] Năm 1964, chính quyền bắt đầu phát lương cho các mục sư và truyền đạo sư, nhưng hầu hết họ vẫn phải làm nhiều công việc tay chân để kiếm sống. Hội thánh bị cấm tổ chức truyền giảng. [3]
Trong thời kỳ này, miền Bắc hạn chế tối đa các hoạt động tôn giáo dành cho người trẻ. [4]
Hoạt động đào tạo giảng sư bị hạn chế. Một khóa được tổ chức vào năm 1962 với 5 người tốt nghiệp, trong đó có hai người già, đến 26 năm sau khóa tiếp theo mới được phép tổ chức. [5]
Giới mục sư và truyền đạo sư của hội thánh miền Bắc chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, và ngày càng mất đi do tuổi tác.
Sau năm 1954, đạo Tin Lành tại miền Bắc đã chìm trong bóng tối suốt hàng thập niên. Trong khi đó, tôn giáo này lại bừng sáng ở miền Nam.
Đạo Tin Lành có tỷ lệ gia tăng tín đồ nhanh nhất tại Việt Nam, đặc biệt dưới thời Việt Nam Cộng hòa, nhờ vào các chính sách tôn giáo cởi mở và nguồn tài trợ từ nước ngoài.
Năm 1953, miền Nam có 13.155 tín đồ. Đến năm 1970, số tín đồ là 106.091 người. [6] Đến năm 1975, số tín đồ Tin Lành tiếp tục tăng gấp đôi, dao động từ 200.000 đến 250.000 tín đồ. [7]
Số nhà thờ Tin Lành ở miền Nam ước tính có khoảng 500 vào trước năm 1975. [8]
Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp (C&MA) đã tài trợ đáng kể cho các hoạt động Tin Lành tại miền Nam. Hội này cho biết có khoảng 150.000 tín đồ Tin Lành miền Nam có liên kết với hội. [9]
Đạo Tin Lành ở miền Nam có hoạt động truyền giáo sôi nổi, đa dạng, mà nhiều hoạt động này cho đến nay vẫn chưa thể khôi phục lại như trước.
Năm 1963, có 23 triệu ấn phẩm truyền giáo được in. Năm 1966, 42 triệu ấn phẩm được xuất bản. Đạo có ba tờ báo riêng là Thánh Kinh, Niềm Tin, và Đuốc Thiêng. [10]
Đạo Tin Lành còn sử dụng đài phát thanh để truyền giáo. Năm 1955, có 14 chương trình truyền giáo được phát trên đài Manila, chương trình phát thanh hàng tuần trên đài phát thanh chính quyền Sài Gòn, 15 đài phát thanh địa phương với 30 chương trình hàng tuần.Từ năm 1969, chương trình truyền giáo được phát trên đài truyền hình. [11]
Trong khi số mục sư và truyền đạo sư của miền Bắc có thể đếm trên đầu ngón tay, thì tại miền Nam mà chỉ riêng Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã có 190 mục sư, 167 truyền đạo sư ở 530 chi hội. [12] Những con số này còn chưa kể đến các hội thánh tư gia và các hội thánh nước ngoài.
Tháng 5/1975, một mục sư tại bang Florida, Mỹ, cho biết ông đang cùng các nhà thờ thuộc Hội Truyền giáo C&MA đang thực hiện một nhiệm vụ gay go nhất, đó là giải cứu 500 thành viên Tin Lành Việt Nam bị kẹt trong các trại tị nạn. [13]
Sau ngày 30/4/1975, bóng tối bao trùm đạo Tin Lành ở miền Bắc đã tràn đến miền Nam. Nhiều mục sư, truyền đạo sư, tín đồ phải vượt biên để tránh đối diện với trại cải tạo, sự phân biệt đối xử, đàn áp của chính quyền, v.v.
Việc đàn áp này xuất phát từ chính sách hạn chế tôn giáo nói chung của chính quyền. Chính quyền không muốn thấy sự liên kết tôn giáo trở thành sự liên kết chính trị, và việc sử dụng nhiều nguồn lực kinh tế cho các hoạt động tôn giáo. [14]
Mặt khác, nhiều mục sư mà nhất là những người có quan hệ thân thiết với chính quyền miền Nam và Mỹ đã bị đưa vào các trại cải tạo. [15] Trong số này có các mục sư tuyên úy quân đội Việt Nam Cộng hòa, tức là người hướng dẫn tâm linh cho binh lính trong khu vực đóng quân.
Chính quyền cho rằng đạo Tin Lành là giáo lý độc ác của đế quốc Mỹ. Tại Triều Tiên, chính quyền cộng sản đã xem các mục sư là gián điệp của Mỹ. [16]
Tuy nhiên, một số ít nhà thờ chưa rõ lý do vẫn được mở cửa tại miền Nam. Ví dụ như nhà thờ An Đông mở cửa từ tháng 6/1976 thu hút rất nhiều tín đồ, nhưng đến năm 1983 thì bị đóng cửa. [17]
Năm 1976, Hội đồng Tổng liên hội Hội thánh Tin Lành miền Nam được bầu chọn lần thứ 42 nhưng đến 26 năm sau đó, chính quyền mới cho phép tổ chức bầu cử một lần nữa. Từ năm 1975 đến năm 1985, đạo Tin Lành tại Việt Nam được cho là đã tê liệt. [18]
Từ cuối thập niên 1980, song song với việc đưa nền kinh tế thị trường trở lại Việt Nam, đạo Tin Lành được phép hoạt động trở lại nhưng vẫn rất khó khăn. Trước đó, các khoản tài trợ của các tổ chức quốc tế trực tiếp cho đạo Tin Lành miền Bắc đều bị chính quyền tịch thu. [19]
Từ năm 1988 đến năm 2004, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) không tổ chức đại hội đồng theo yêu cầu của chính quyền để biểu tình, buộc chính quyền phải chấp nhận các yêu cầu của hội thánh về bổ nhiệm nhân sự. [20]
Từ năm 1992, chính quyền cho phép nhập cảng 33.000 bản Kinh Thánh và 20.000 bản Thánh ca. Từ năm 1994 đến năm 2000, chính quyền cho phép in ấn Kinh Thánh, Thánh ca, chuyện tích Kinh Thánh, v.v. [21]
Năm 2001, chính quyền đã công nhận chính thức Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam).
Việc tái hoạt động của đạo Tin Lành trùng hợp với quá trình Việt Nam xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 1995. Vào lúc này, Mỹ đã lấy quyền tự do tôn giáo làm điều kiện để Việt Nam gia nhập WTO.
Năm 2004, Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách CPC (các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo). [22]
Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra một quyết định dành riêng cho đạo Tin Lành. Quyết định này nhằm cho phép đạo Tin Lành mở rộng việc sinh hoạt thuần túy, từng bước cho phép các hệ phái Tin Lành trước năm 1975 hoạt động trở lại. [23]
Năm 2006, chính quyền Việt Nam buộc phải ký một thỏa thuận không được công bố với Mỹ để cải thiện quyền tự do tôn giáo. Thỏa thuận này đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách danh sách CPC. [24]
Từ năm 1940, đạo Tin Lành mới tổ chức các cơ sở truyền giáo tại khu vực Tây Nguyên.
Năm 2022, Tạp chí Xây dựng Đảng cho biết trong 1,2 triệu tín đồ Tin Lành cả nước thì 73% là người dân tộc thiểu số. [25]
Số tín đồ Tin Lành trong các khu vực thiểu số tại Tây Nguyên và vùng núi miền Bắc Việt Nam đã tăng lên rất nhanh chóng, gần như không thể tin được.
Tây Nguyên cho đến nay là khu vực có số người theo đạo Tin Lành đông đảo nhất cả nước. Sau năm 1975, số tín đồ Tin Lành đã bùng phát tại Tây Nguyên, chủ yếu là người Thượng đã cải sang đạo này.
Tại Gia Lai, từ năm 1975 đến năm 1999, số tín đồ Tin Lành đã tăng lên 432%. [26] Năm 2022, chính quyền cho biết trong 873.700 tín đồ Tin Lành là người dân tộc thiểu số thì có 575.940 người sống ở Tây Nguyên. [27]
Ở miền Bắc, người H'Mông theo đạo Tin Lành nhiều nhất. Đạo Tin Lành truyền vào nhóm người dân tộc này từ giữa những năm 1980. Năm 1986, chỉ có khoảng 1.000 người H'Mông theo đạo này. [28] Con số này tăng lên đáng kinh ngạc vào năm 2011 với 170.000 người (chưa kể khoảng 37.000 người H'Mông theo đạo Tin Lành đã di cư vào Tây Nguyên). [29]
Một tín đồ Tin Lành tại Việt Nam được trích dẫn trên trang của Open Door, một tổ chức bảo vệ đạo Tin Lành tại Anh và Scotland, cho biết nếu một người hoặc một gia đình cải sang đạo Tin Lành thì họ có thể dễ dàng cải đạo cho cả làng. [30]
Việc gia tăng nhanh chóng số tín đồ đạo Tin Lành tại khu vực người dân tộc thiểu số là điều chính quyền không hề mong muốn. Do vậy, hai khu vực này hứng chịu mức độ đàn áp tôn giáo gấp nhiều lần so với các vùng đồng bằng.
1. Khái quát về Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). (n.d.). Ban Tôn Giáo Chính Phủ. https://btgcp.gov.vn/gioi-thieu-cac-to-chuc-ton-giao-da-duoc-cong-nhan/Khai_quat_ve_Hoi_thanh_Tin_lanh_Viet_Nam__mien_Bac_-post9DR3VLpnLp.html
2. Nguyễn Thanh Xuân, Một số tôn giáo ở Việt Nam, trang 298, Ban Tôn giáo Chính phủ.
3. Tập, B. B. (2009, October 12). 100 năm Tin lành đến VN Kỳ 5: Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc sau 1954 - HOITHANH.COM. HOITHANH.COM. https://web.archive.org/web/20230726092152/https://hoithanh.com/10029/hoi-thanh-tin-lanh-mien-bac-sau-1954.html
4. Freedom of Religion in North and South Vietnam. (1974). CIA. https://www.cia.gov/readingroom/docs/CIA-RDP80B01495R000500050039-3.pdf
5. Một số Hội Thánh tại Miền Bắc Việt Nam. (2011, September 11). Thông Công Hà Nội. https://thongconghanoi.wordpress.com/2011/09/11/m%E1%BB%99t-s%E1%BB%91-h%E1%BB%99i-thanh-t%E1%BA%A1i-mi%E1%BB%81n-b%E1%BA%AFc-vi%E1%BB%87t-nam/
6. Kỳ 6: Hội thánh miền Nam sau năm 1954. (2009). Hoithanh.com. https://web.archive.org/web/20230726091812/https://hoithanh.com/10031/hoi-thanh-tin-lanh-mien-nam-sau-1954.html
7. Evangelizing Post-Đổi Mới Vietnam: The Rise of Protestantism and the State’s Response. (2017). ISEAS. https://www.iseas.edu.sg/images/pdf/ISEAS_Perspective_2017_34.pdf
8. Mission Church Goes Into the World. (1981). Newspapers. https://www.newspapers.com/image/62489670/?terms=Protestant%20church%20in%20Vietnam&match=1
9. Alliance Church seeks assistance relocating 500 Vietnam members. (1975). Newspapers. https://www.newspapers.com/image/223071299/?terms=Protestant%20church%20in%20Vietnam&match=1
10. Nguyễn Thanh Xuân, Một số tôn giáo ở Việt Nam, trang 293, Ban Tôn giáo Chính phủ.
11. Xem [10].
12. Xem [10], trang 295.
13. Xem [9].
14. Xem [4].
15. Xem [7].
16. Online, A. T. (n.d.-b). Asia Times Online :: Korea News and Korean Business and Economy, Pyongyang News. Asia Times Online. https://web.archive.org/web/20050318052905/http://www.atimes.com/atimes/Korea/GC16Dg03.html
17. Tuan L. (2020). TP. HCM: Kỷ Niệm 45 Năm Thành Lập HTTL An Đông. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. https://web.archive.org/web/20230731135838/https://httlvn.org/tp-hcm-ky-niem-45-nam-thanh-lap-httl-an-dong.html
18. Xem [7].
19. Xem [3].
20. Xem [3].
21. Xem [6]
22. Tâm, V. (2022). Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo: 16 năm vẫn quanh quẩn. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/12/viet-nam-lot-vao-danh-sach-theo-doi-dac-biet-ve-tu-do-ton-giao-cua-my-16-nam-van-quanh-quan/
23. Thuvienphapluat.Vn. (n.d.). Chỉ thị 01/2005/CT-TTg công tác đạo Tin lành. Copyright © 2011 by thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Chi-thi-01-2005-CT-TTg-cong-tac-dao-Tin-lanh-52822.aspx
24. Xem [22].
25. Trường, T. (2022, August 18). Tôn giáo tháng 7/2022: Chính quyền gia tăng trấn áp các nhóm Tin Lành độc lập, xét xử vụ án Tịnh Thất Bồng Lai. Luật Khoa tạp chí. https://luatkhoa.org/2022/08/ton-giao-thang-7-2022-chinh-quyen-gia-tang-tran-ap-cac-nhom-tin-lanh-doc-lap-xet-xu-vu-an-tinh-that-bong-lai/
26. Duy, T. (2019, September 8). Khi Tây Nguyên không còn là nhà. Luật Khoa tạp chí. https://luatkhoa.org/2019/09/khi-tay-nguyen-khong-con-la-nha/
27. Xem [23].
28. Xem [7].
29. Nguyễn Thanh Xuân. Một số tôn giáo ở Việt Nam. trang 302. Ban Tôn giáo Chính phủ.
30. Vietnam. (n.d.). https://www.opendoorsuk.org/persecution/world-watch-list/vietnam/