“Cà lăm pháp lý” – Từ khác âm đồng nghĩa trong tiếng Anh

“Cà lăm pháp lý” – Từ khác âm đồng nghĩa trong tiếng Anh
Minh hoạ: An Nhiên.

Bữa hổm Anh Cả Lý viết bài kia về hai bà thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ đấu chưởng ngữ pháp tiếng Anh. Đăng xong thì nhận được một comment rất hay của một bạn đọc.

Bạn đọc Tieu Son chỉ ra cho Anh Cả Lý thấy một cái sai trong bài của mình:

Có 1 hạt sạn nhỏ “dưới vị thành niên”:
– Tự điển tiếng Việt, Hán-Việt:
“vị” = không, chưa
“vị thành niên” = chưa đủ tuổi, chưa trưởng thành.
– Tự điển Anh-Việt:
“vị thành niên” = minor, under age.
Nói/viết “dưới vị thành niên” là thừa, sai về ngữ pháp, ngữ nghĩa (dưới-dưới/chưa-chưa thành niên).”

Thiệt là biết ơn bạn đọc Tieu Son nghen. Học tiếng Việt cho ra hồn là việc Anh Cả Lý làm đến khi xuống mồ cũng không hết chán.

Thêm nữa, nói nhỏ bạn đọc nghe: Anh Cả Lý lúc đó đang bí đề tài! Thiệt tình hổng biết tuần sau mục Tiếng Anh Pháp Lý sẽ nói về cái chi luôn! Chu choa, hổng có bài chắc ông Long tổng biên tập khó tính ổng cắt luôn mục tiếng Anh kiếm cơm này của tui!

May có bạn đọc Tieu Son vừa dạy tiếng Việt vừa gợi ý cho Anh Cả Lý viết bài tuần này: từ khác âm nhưng đồng nghĩa.

Cùng để chỉ một thứ

Chuyện là dzầy: Hồi đầu thế kỷ 20, có ông nhà nhân chủng học người Mỹ kia đến xứ địa cực tuyết phủ của người Eskimo để nghiên cứu họ.

Ông này ăn dầm nằm dề, quen người biết tiếng hết trơn. Khoái quá, ổng còn viết về nhà khoe với bà vợ chưa cưới: “Em ơi em, em có biết người Eskimo có hàng loạt các từ khác nhau để cùng chỉ tuyết không? Từ này để chỉ ‘tuyết mềm vừa rơi’ nè, còn từ này để chỉ ‘tuyết trượt ván được’ nè…”

Rồi sau ổng viết sách về ngôn ngữ người bản địa Châu Mỹ, tương cái chuyện hồng hồng tuyết tuyết kia dzô luôn cho xôm.

Từ đó, một đồn mười, mười đồn trăm, cả thiên hạ đồn nhau: người Eskimo có hàng trăm ngàn từ khác nhau cùng để chỉ “tuyết”!

Người dân Eskimo xây nhà tuyết. Ảnh: wikimedia.org

Dĩ nhiên, người Eskimo ngoài đời đâu có rảnh như rứa! Nhân chuyện này, giới nhân chủng, ngôn ngữ học thế giới cãi nhau cũng được vài trống canh.

Chuyện người Eskimo gọi tuyết bị quăng qua quật lại, thậm chí còn bị gọi là một cú lừa lớn về từ vựng Eskimo (Great Eskimo Vocabulary Hoax).

May là đến tầm từ năm 2010 trở lại đây, có thêm nhiều nghiên cứu đàng hoàng xác nhận giùm cho ông nhân chủng học gia kia: người Eskimo đúng là có nhiều từ khác nhau để chỉ tuyết, nhưng tầm 40-50 từ đổ lại là cùng.

Cái chuyện dùng nhiều từ để chỉ cùng một thứ như thế, hóa ra người Việt mình cũng không lạ đâu.

Nhà văn Phạm Thị Hoài từng viết về các cách đa dạng để diễn tả các khái niệm “hôi”, “thối”, “hỏng” trong tiếng Việt:

“…Là ngôn ngữ của một xứ phương Nam, nơi hoả vượng mà vạn vật khuếch trương hương vị như cách lý giải của người xưa, tiếng Việt giàu vốn từ chỉ tỉ mỉ từng sắc thái, cấp độ của muôn loại mùi chẳng hạn. Hẳn cũng vì hoả vượng, mà những mùi khó chịu cũng được cơ hội bành trướng. Mùi phân mèo thì chua, mùi phân gà hôi, phân trâu hắc, phân lợn nồng, phân trẻ con thum thủm, phân người lớn thối, còn mồm ai đó thì thối hoắc. Mùi và tình trạng thực phẩm hỏng trong bếp Việt mới thực đa dạng. Cá thì tanh, thịt thì ôi, cơm thì khê, rau thì oi khói, dưa thì khú, mắm thì khắm, gạo thì hẩm, trứng thì ung, khoai thì ủng, cháo thì vữa, canh thì thiu, lạc thì mốc, mỡ thì khét lẹt…”

Người Việt thính mũi thì dân Anh lại “tinh” ở các chỗ khác.

Người Anh ngại nói chuyện chết chóc, nên rất sáng tạo khi dùng ngôn ngữ để chỉ khái niệm “cái chết”.

Điều này thể hiện rõ và hài hước nhất trong tiểu phẩm hài kinh điển “Con két chết” mang phong cách hài “vô lý đùng đùng” (absurd) đặc trưng của nhóm hài Anh huyền thoại Monty Python:

Chuyện là, sẵn tức giận vì bị bán cho một con chim két chết queo, lại gặp phải ngay tay bán hàng lưu manh cứ chối bay chối biến, “lầy” không kém mấy ông chính trị gia bị tố đạo văn, nhân vật bác Praline sừng sộ khẳng định chuyện “con két đã chết” bằng một loạt các từ ngữ và uyển ngữ chỉ “cái chết” trong vốn ngôn ngữ của người Anh:

“Nó đã qua đời (passed on)! Con két không còn nữa (is no more)! Con két không tồn tại nữa (ceased to be)! Nó đã quá đát (expired) và đi gặp đấng tạo hóa (meet its maker)! Nó cứng ngắc (stiff)! Nó cạn kiệt sự sống (bereft of life), nó yên nghỉ bình an (rest in peace)! Nếu ông không dùng đinh dựng nó lên thì nó đang đẩy hoa cúc (pushing up the daisies)! Quá trình trao đổi chất của nó đã là lịch sử (its metabolic processes are now history)! Nó đã rơi khỏi cành cây (off the twig)! Nó đã đá cái xô (kick the bucket)! Nó đã trút trọn cuộn hữu tử (shuffle off this mortal coil), nó đã kéo rèm (run down the curtain) và gia nhập dàn đồng ca vô hình mắc dịch (join the bleeding choir invisible)!! Đây là một con cựu-két (ex-parrot)!!“

Vậy nên không ngạc nhiên khi vốn từ vựng chỉ “cái chết” của người Anh rất đáng nể.

Lên trang Thesaurus.com đếm thử cũng được 47 từ. Ngang ngửa độ xoắn não với “tuyết” của người Eskimo chứ chẳng chơi!

Ngoài nói giảm nói tránh “chết chóc” ra, người Anh còn chơi khó các dân tộc khác bằng cách sử dụng khá nhiều các từ đồng nghĩa khác âm trong ngôn ngữ pháp lý của họ.

Ác ở chỗ là các từ đồng nghĩa khác âm đó thường đi túm tụm nhóm hai nhóm ba, thành các cụm legal doubletlegal triplet làm điên đầu các dịch giả.

Legal doublet, Legal triplet – Cụm từ khác âm đồng nghĩa trong tiếng Anh pháp lý

Nếu có dịp nhìn vào một bản di chúc của người Anh, bạn có thể sẽ dễ dàng tìm thấy một cụm từ, thường chính là tiêu đề đầu tiên đập ngay vào mắt: “Last Will and Testament”.

Will” tra từ điển là “di chúc, chúc thư” rồi vậy “testament” là gì? Cũng là… “di chúc, chúc thư”.

Dịch nguyên câu “He has just signed his last will and testament” theo kiểu dịch máy móc thì sẽ thành ra “Ông ta vừa ký cái chúc thư cuối cùng và chúc thư của mình.” Ủa sao kỳ?

“Di chúc cuối cùng và… di chúc?” – Ảnh: thebalance.com

Nhìn xuống điều khoản của bản di chúc, có thể dễ dàng tìm thấy các điều khoản ghi là người làm chúc thư muốn “give, devise and bequeath” một tài sản nào đó cho một ai đó.

Give”, “devise”, và “bequeath” trong ngữ cảnh này đều có thể được dịch là “để lại”.

Kỳ ta! Mà chưa hết đâu nha.

Giở luật hình sự của Anh hay một nước cựu thuộc địa nào đó của Anh (ví dụ luật hình sự Mỹ) bạn sẽ có thể tìm thấy một tội danh hay được gọi là “aiding and/or abetting”.

Aid” là “cứu giúp, giúp đỡ” trong bối cảnh hình sự là “đồng phạm, tòng phạm”. Còn “abet”? Thường được hiểu với nghĩa “tiếp tay”, theo đó cũng là… “đồng phạm, tòng phạm” nốt.

Lật thử một cái hợp đồng thuê mướn nhà đất ra còn dễ phát hoảng hơn nữa!

Người thuê có quyền lợi được “to have and to hold” bất động sản. “Have” và “hold” trong ngữ cảnh này đều mang nghĩa “cầm giữ”.

Người thuê có trách nhiệm tự bảo quản, tự mua bảo hiểm cho các “goods and chattels” của mình trong thời gian thuê. “Goods” và “chattels” đều mang nghĩa “động sản”, ý chỉ bàn ghế tủ giường, đồ nội thất của người thuê.

Người thuê không được phép “assign, transfer and set over” bất động sản khi chưa xin phép người cho thuê . “Assign”, “transfer”, “set over” trong ngữ cảnh này đều có thể dịch là “nhượng lại”.

Người thuê cũng không được phép “build, erect or construct” trong khu vực bất động sản khi chưa xin phép người cho thuê. “Build”, “erect”, và “construct” đều dịch ra thành “xây, dựng”.

Tương tự, để ngăn chặn việc lắp đặt trái phép (chưa đến mức xây dựng) sẽ có điều khoản cấm người thuê không được “place, install or affix” bất cứ gì khi chưa xin phép người cho thuê. Ba ông địa này cũng “ba mặt một lời” nốt, đều là “lắp đặt”.

Hợp đồng cho thuê bất động sản: “bãi mìn” legal doublet và triplet. Ảnh: cmsfunding.com

Nếu bất động sản là nằm trong một khối nhà chung kiểu như chung cư, thì thường trong hợp đồng thuê mướn có thêm điều khoản quy định nghĩa vụ người thuê phải “obey, observe and comply with” nội quy riêng biệt của khu nhà, khu chung cư, và với luật lệ địa phương nói chung.

Đoán thử xem? Vâng, ba ông thần trên cũng đều là… “tuân thủ”.

Là sao ta? Luật sư mấy xứ thông luật toàn mấy cha… cà lăm hay sao vậy cà? Hay sợ bị thằng lưu manh nào lừa như bác chủ con “cựu-két” ở trên nên cứ phải day đi day lại?

Tất cả các trường hợp trên đều là những legal doublet (cụm hai từ) và legal triplet (cụm ba từ) – những cụm từ đồng nghĩa khác âm được dùng cùng nhau trong ngôn ngữ pháp lý tiếng Anh, thường được dùng trong ngôn ngữ của hợp đồng và văn bản pháp lý.

Trong cuốn Từ điển cách dùng tiếng Anh pháp lý của giáo sư Bryan A. Garner (một cuốn sách phải có cho các bạn muốn làm trùm môn tiếng Anh pháp lý!), tác giả Garner kể rằng đã có nhiều thuyết được đưa ra để giải thích cho nguồn gốc và vai trò thực tế của các legal doublet hay triplet.

Lý thuyết đầu tiên liên quan đến một chuyện Anh Cả Lý đã bàn trong vài bài viết trước đây về việc tiếng Anh có gốc gác chịu nhiều pha trộn và ảnh hưởng đậm đà từ tiếng La-tinhtiếng Pháp.

Lịch sử pha trộn này được cho là tạo ra thói quen viết song song một từ có gốc tiếng La-tinh (hay Pháp) với một từ có gốc tiếng Anh cổ.

Ví dụ như cụm acknowledge and confess (tiếng Anh cổ đi với tiếng Pháp cổ), act and deed (tiếng La-tinh với tiếng Anh cổ), hay cụm goods and chattels mà ta đã gặp (tiếng Anh cổ với tiếng Pháp cổ).

Tuy nhiên, một số nhà ngôn ngữ học lại phản đối lý thuyết nói trên. Họ cho rằng thói quen dùng legal doublet và legal triplet trong tiếng Anh không phải do lịch sử từ nguyên, mà là do thói quen, phong cách viết lách mang tính hùng biện.

Việc dùng cụm hai từ hay ba từ vừa có tính nhấn mạnh ý nghĩa, nếu có vần điệu nghe hợp tai vào nữa thì sẽ tạo thêm sức mạnh hùng biện cho lời văn.

Một lý thuyết thứ ba thì mang tính… xỉa xói giới luật sư, luật gia hơn.

Lý thuyết này cho rằng thói quen dùng từ “cà lăm” ngữ nghĩa như vậy là vì bản thân mấy ông bà luật sư, luật gia người Anh người Mỹ bao đời trước… dốt Anh văn, thiếu kiến thức chính xác về ý nghĩa và nguyên gốc các từ ngữ!

Bìa sách “Từ điển cách dùng tiếng Anh pháp lý” của giáo sư Bryan Garner. Ảnh: amazon.com

Do kiến thức không chắc chắn nên khi chọn dùng một từ thì họ sợ từ đó là sai và thế là họ dùng lối tư duy “safety in number” (chia rẽ chết lẻ tẻ, đoàn kết chết chùm!) dùng cùng lúc các từ có nghĩa thật ra y chang nhau để bảo đảm sự kín kẽ pháp lý.

Bản thân giáo sư Bryan Garner – một người nghiên cứu có uy tín về ngôn ngữ tiếng Anh pháp lý – trong một cuốn sách khác cổ xúy và hướng dẫn việc sử dụng ngôn ngữ pháp lý tiếng Anh đơn giản (plain English), đã thẳng thắn cho rằng các legal doublet và legal triplet là những yếu tố thừa thãi phải loại bỏ khi viết tiếng Anh pháp lý hiện đại.

Thật sự, trừ một số trường hợp hạn hữu ra thì đa số các legal doublet và triplet thực sự chính là “cà lăm” – lập đi lập lại một khái niệm trong khi chỉ cần dùng một từ là đủ.

Việc “cà lăm” này được cho là không những khiến câu văn luộm thuộm mà còn làm rối suy nghĩ của bản thân các luật sư.

Theo giáo sư Garner, các trường hợp hạn hữu nên giữ legal doublet và triplet có thể là với những cụm từ bao gồm những từ thực sự có sắc thái ý nghĩa khác nhau, khi dùng cùng nhau sẽ khiến phân tích pháp lý chuẩn xác hơn, ví dụ như cụm vague and indefinite trong bối cảnh luật về bằng sáng chế.

Bàn về dịch thuật tiếng Anh pháp lý trong cuốn sách Dịch thuật pháp lý, tác giả Deborah Cao cũng cho rằng đa số trường hợp legal doublet hay triplet nên được dịch sang ngôn ngữ khác gói gọn vào một từ/cụm từ chuẩn xác nhất.

Ví dụ trường hợp cụm null and void được các dịch giả tiếng Hoa chuyển ngữ đơn thuần là 无效 (wuxiao) hay là “vô hiệu” trong tiếng Việt.

Tuy nhiên, tác giả Cao khuyến cáo một trường hợp đồng nghĩa khác âm trong tiếng Anh vẫn nên được cẩn thận dịch từng từ một cụ thể khi chuyển ngữ. Ví dụ như cụm devise and bequeath trong di chúc.

Tác giả Cao trích dẫn lại nghiên cứu của luật sư Francis Bennion trong cuốn Diễn giải luật thành văn cho thấy rằng “devise” chỉ thích hợp dùng với bất động sản (real property) trong khi “bequeath” chỉ thích hợp dùng với động sản (personal property). Những khác biệt tinh vi như thế nên được giữ nguyên khi chuyển ngữ, bất chấp lo ngại “cà lăm”.

Giáo sư Garner thì cho rằng cũng nên dung thứ trường hợp những cụm từ do lịch sử lâu năm đã “sống lâu lên lão làng”, “thành tinh”. Những cụm từ này hiện nay đã mang một màu sắc ngôn ngữ lễ nghi (ritual), khi dùng sẽ khiến cho ngôn ngữ trở nên trang nghiêm hơn. Ví dụ với cách đặt tiêu đề di chúc là “Last will and testament”.

Một trường hợp “cà lăm” lễ nghi khác thì có lẽ là được các bạn đọc không chuyên biết đến nhiều hơn: lời thề dùng khi tuyên thệ trước tòa của các nhân chứng trong một phiên tòa.

“I swear to tell the truth, the whole truth, and nothing but the truth.”

Dịch: “Tôi xin thề sẽ nói sự thật, toàn bộ sự thật, và không có gì ngoài sự thật”.

Lập đi lập lại như thế cho dù không thêm được tí lớp ngữ nghĩa nào, nhưng lại khẳng định được cái tinh thần trang nghiêm, tôn trọng sự thật trong bối cảnh một phiên tòa.

Tài liệu tham khảo:

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.